Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Tin Việt Nam ( Bản tin tổng hợp TGNV ngày 9.10.2011 )

Tin Việt Nam

Thiếu nợ, vờ mua trang sức cướp tiệm vàng
Vì cần tiền trả nợ, Tuấn Anh ra chợ mua dao nhọn, đến tiệm vàng Kim Phụng (Hà Nội) cướp. Lợi dụng lúc vắng người, Tuấn Anh bịt mặt, mặc áo mưa, vờ vào mua đồ trang sức. Tại đây, hắn dùng dao khống chế ông chủ hiệu vàng.

Tiệm vàng nơi xảy ra vụ cướp táo tợn (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+).
Sự việc trên xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 phút chiều 7-10 tại số nhà 100 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Chiều 8-10, công an phường Minh Khai cho hay, thủ phạm của vụ án trên là Vũ Tuấn Anh, 21 tuổi trú tại phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuấn Anh đã bị bắt khi chưa kịp tẩu thoát.
Theo cơ quan điều tra, do cần tiền trả nợ, Tuấn Anh nghĩ đến cướp tiệm vàng. Khoảng 9 giờ sáng 7-10, Tuấn Anh đến khu vực chợ Mơ tạm trên phố Kim Ngưu để mua dao và túi xách với giá 150.000 đồng, làm công cụ tiến hành vụ cướp.
Ngay sau đó, Tuấn Anh đi xe máy lòng vòng qua các tuyến phố để tăm tia những cửa hàng vàng có sơ hở, ít người qua lại và không có bảo vệ. Khoảng 15 giờ cùng ngày, khi đi qua phố Minh Khai, đối tượng này phát hiện cửa hàng Kim Phụng chỉ có một người bán hàng. Thấy vậy, Tuấn Anh mặc áo mưa, đeo khẩu trang đi vào nhằm mục đích khi gây án xong sẽ không bị phát hiện.

Tại tiệm vàng Kim Phụng, Tuấn Anh vờ hỏi mua một số đồ trang sức. Nhưng ngay khi chủ của hàng là anh Cao Đức Thịnh (sinh năm 1962) sơ hở, vị khách đã rút dao, đe dọa và yêu cầu anh Thịnh cho hết vàng vào túi xách. Anh Thịnh lập tức hô lớn. Nghe tiếng hô, vợ anh Thịnh là chị Nga chạy ra nhưng tiếp tục bị Tuấn Anh đe dọa.
Ngay sau đó, kẻ gian dùng dao đập vỡ mặt kính để cướp vàng. Nhân lúc Tuấn Anh sơ hở, anh Thịnh lao vào vật lộn và khiến con dao trên tay hung thủ rơi xuống đất. Hoảng sợ, tên cướp bỏ chạy ra ngoài. Đúng lúc này, công an phường Minh Khai và người dân sống xung quanh lao vào bắt giữ.
Hiện vụ việc đã được công an quận Hai Bà Trưng tiếp nhận giải quyết.
Theo đại diện công an quận Hai Bà Trưng, thủ đoạn và hành vi của tên trộm khá liều lĩnh và manh động bởi thời điểm gây án là lúc phố xá vẫn tấp nập người qua lại. Phường Minh Khai hiện có 21 cơ sở kinh doanh vàng bạc, chi nhánh ngân hàng.
Đây đã là vụ cướp tiệm vàng thứ hai xảy ra liên tiếp trong mấy ngày qua tại địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đó, ngày 6-10, một tiệm vàng trên phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) cũng bị kẻ gian đột nhập, cướp đi toàn bộ số trang sức bằng vàng.
Trước tình trạng loại hình tội phạm này ngày càng trở nên manh động, Công an thành phố Hà Nội đang dự kiến sẽ tổ chức diễn tập chống cướp tiệm vàng quy mô lớn vào ngày 15-10 tới đây.
Theo Sơn Bách
Vietnam+


Hà Nội: tiệm vàng gần trụ sở công an bị trộm vét sạch
Cập nhật lúc 11h29" , ngày 08/10/2011 -
(VnMedia) - Theo trình báo của chủ tiệm vàng trên phố Ngọc Lâm (Hà Nội), lợi dụng đêm tối kẻ gian đã tháo chấn song sắt, cuỗm toàn bộ số vàng trong tủ kính trưng bày ở tầng 1. Tài sản bị mất ước tính vài tỷ đồng.

Theo trình báo của chủ tiệm vàng, khoảng 8h sáng 6/10, khi tới mở cửa bán hàng, chị này tá hỏa khi thấy toàn bộ số trang sức bằng vàng tây bị khoắng sạch, chỉ sót lại một ít đồ làm bằng bạc, vài sợi dây hạt trang sức giả ngọc trai và vài miếng giả ngọc. Tủ trưng bày không có dấu hiệu bị cậy phá. Một trong 3 ô cửa thông gió nhỏ ở phía sau nhà bị tháo ra.
Hệ thống camera theo dõi cũng bị kẻ gian vô hiệu hóa bằng cách bẻ ngoặt ống kính lên trần nhà. Chiếc đầu thu cũng bị chúng lấy đi. Điều đáng nói là, tiệm vàng được mở tại ngôi nhà 3 tầng nằm ở khu phố khá sầm uất, nằm không xa nơi làm việc của một đơn vị thuộc Công an quận Long Biên.
Nữ chủ nhân tiệm vàng cho biết, bình thường gia đình vẫn ngủ ở cửa hàng để trông coi, tuy nhiên tối xảy ra sự việc không có ai ở đây. Chị cho rằng, nhiều khả năng kẻ gian đã đột nhập từ phía sau và theo dõi sinh hoạt của gia chủ từ trước.
Theo chủ tiệm vàng này, không chỉ lấy vàng, kẻ gian còn lên tầng trên ngôi nhà để lục lọi đồ đạc. Ước chừng, tổng tài sản bị mất lên đến vài tỷ đồng.
Hiện lãnh đạo công an quận Long Biên đã tiếp nhận trình báo của tiệm vàng và cử điều tra viên vào cuộc xác minh.
Vạn Xuân


Bắt trùm lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng
Ngày 7/10, tin từ Cục CSĐT TP về kinh tế và chức vụ cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (TP. HCM) thuộc Vietinbank - về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Số tiền bà Như chiếm đoạt của các nạn nhân, theo xác định của cơ quan điều tra, tính đến thời điểm này lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Vụ lừa đảo này cũng liên quan đến nhiều đối tượng là nhân viên ngân hàng, môi giới chứng khoán...
(Ảnh minh họa)

Rúng động...
Cuối giờ giao dịch ngày 7/10, hàng chục môi giới cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) vẫn ngồi nán lại nơi họp “chợ” OTC nằm trên đường Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM), vẻ mặt lo lắng về khả năng mất trắng hàng chục tỉ đồng khi vụ lừa đảo của bà Như bị phanh phui.
Anh M. - một môi giới OTC có thâm niên - khẳng định hầu hết các môi giới OTC có “máu mặt” tại chợ OTC này không ít thì nhiều đều là nạn nhân của bà Ph. “đen”, người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân trong đường dây lừa đảo của bà Như. “Gần một tuần nay, khi tin đồn bà Như đến cơ quan an ninh đầu thú bắt đầu xuất hiện trên thị trường, Ph. “đen” cũng lặn mất tăm...” - anh M. nói.
Theo khẳng định của anh M., dù chưa ai tiết lộ số tiền cụ thể bị thiệt hại song thông tin ban đầu cho biết Ph. “đen” đã ôm của các nạn nhân 300-400 tỉ đồng. Chị T., một môi giới OTC lâu năm và là nạn nhân của Ph. “đen”, than thở dù đã rất cảnh giác nhưng là chỗ quen biết lâu năm, lãi suất lại quá hấp dẫn - lên tới 8%/tháng vào đợt vay tiền gần đây nên đã dính bẫy.
Theo chị T., kể từ khi thị trường chứng khoán, đặc biệt là OTC, rơi vào cảnh ảm đạm, Ph. “đen” đã rỉ tai các “chiến hữu” là môi giới OTC về đường dây cho vay đảo nợ ngân hàng, cho vay ngắn hạn với lãi suất hấp dẫn. Hoạt động cho vay đảo nợ được Ph. “đen” thực hiện từ năm 2010 với lãi suất 3-5%/tháng đã lôi kéo được nhiều nạn nhân.
Đỉnh điểm vào tháng 9/2011, lãi suất vay được đẩy lên tới 6-7%/tháng nên nhiều người đổ xô vào cho vay, thậm chí thế chấp cả nhà cửa để vay tiền ngân hàng đưa cho Ph. “đen”. Hàng loạt môi giới OTC tên tuổi một thời như T., G.H., M.... cũng mất 5-7 tỉ đồng/người trong đường dây này.
Trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán khẳng định, không chỉ dân chơi OTC tại TP.HCM mà cả khu vực phía Bắc cũng trở thành nạn nhân gián tiếp của bà Như do tham gia đường dây huy động vốn của Ph. “đen”.
Lôi kéo cán bộ ngân hàng
Nạn nhân của bà Như không chỉ có giới chơi OTC mà có cả một số công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng, nhân viên môi giới tại các CTCK, giới kinh doanh bất động sản... Được sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng, nhân viên môi giới chứng khoán, bà Như đã sử dụng sổ tiết kiệm giả, giấy tờ bất động sản và cả giấy tờ thế chấp giả... để vay vốn, chơi chứng khoán ký quỹ tại một số CTCK. Theo thông tin chưa được kiểm chứng, số tiền thiệt hại của các đơn vị này còn lớn hơn nhiều lần so với con số thiệt hại của giới chơi OTC.
Trong một văn bản gửi các cơ quan chức năng vào ngày 5/10, Vietinbank khẳng định có hiện tượng một số ngân hàng thương mại cổ phần thông qua các công ty “sân sau” cấu kết với phần tử xấu trong và ngoài hệ thống ngân hàng, trong đó lôi kéo hai cán bộ Vietinbank để thực hiện các hành vi bất hợp pháp.
Thủ đoạn của các đối tượng này, theo Vietinbank, là làm giả hồ sơ, hợp đồng giả, chữ ký giả, con dấu giả... để chuyển tiền qua hệ thống một số ngân hàng nhằm sử dụng vào mục đích khác.
Cũng trong sáng 7/10, đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) đã đến làm việc tại Công ty CP chứng khoán Kim Eng (KEVS), một trong những CTCK nằm trong danh sách “nghi vấn” là nạn nhân của bà Như.
Tại buổi làm việc, cơ quan điều tra đã yêu cầu công ty này cung cấp thông tin về tài khoản của sáu cá nhân, gồm bà Như, bà Triệu Thị Hương Giang và bốn cá nhân khác có liên quan. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo KEVS khẳng định bà Như và bà Giang không phải là khách hàng của CTCK này.
Riêng bốn cá nhân khác có liên quan, tính đến ngày 7/10, không có dư nợ tại KEVS và cũng không sử dụng dịch vụ giao dịch ký quỹ. Phía KEVS cho biết đã thực hiện phong tỏa tài khoản chứng khoán của bốn cá nhân liên quan theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
“Đại gia chứng khoán” một thời
Bà Huỳnh Thị Huyền Như - 33 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank, người vừa bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - từng nổi lên như là một trong những đại gia trong giới kinh doanh cổ phiếu OTC vào những năm 2007-2008.
Theo một số môi giới OTC, vào thời điểm cổ phiếu MB và EIB vẫn đang là những mặt hàng “nóng” nhất trên thị trường OTC vào giữa năm 2009, bà Như từng là một trong số ít người có thể thực hiện các giao dịch làm thay đổi chiều hướng giá của các cổ phiếu này. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường OTC rơi vào cảnh ảm đạm chung của thị trường chứng khoán, bà Như chuyển hẳn sang chơi cổ phiếu niêm yết và bất động sản.
Là trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng lớn, có chân trong hội đồng quản trị của ORS và có mối quan hệ tình cảm “mật thiết” với giám đốc chi nhánh một ngân hàng, bà Như nghiễm nhiên trở thành khách VIP tại một số CTCK. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, các khoản thua lỗ ngày càng lớn, bà Như đã tìm cách xoay tiền thông qua các mối quan hệ và bắt đầu trượt dài trên con đường lừa đảo.
Theo Hải Đăng - H.K


Rúng động nghi án lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng trên TTCK
Những ngày qua, giới đầu tư chứng khoán bị rúng động trước những tin đồn về một vụ vỡ nợ mà nạn nhân là các CTCK và giới “cò” OTC.
Nỗi đau môi giới
Theo thông tin có 2 nhân vật chính đã tiến hành những vụ lừa đảo với tổng số thiệt hại có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhân vật thứ nhất là P. có biệt danh P. “đen”, chuyên huy động vốn từ những người làm môi giới trên thị trường OTC, với lãi suất “khủng” từ 5-7,5%/tháng, tức 60-90%/năm.
Ngay từ khi bắt đầu huy động, P. cũng là một nhân vật "có số má” đối với các môi giới OTC. Lấy lý do thị trường OTC khó khăn, chuyển hướng sang cho vay đáo hạn ngân hàng, P. kêu gọi những người khác bỏ vốn với mình. Từ một số người góp vốn đầu tiên và được trả lãi đầy đủ đã lôi kéo thêm nhiều người khác “nộp mạng” cho P...
Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngờ P. nhưng sau khoảng 1 năm thấy nhân vật này vẫn không “bể” lại nghĩ rằng P. làm ăn nghiêm túc nên đem tiền của mình góp thêm. Trong khi TTCK khó khăn, thị trường OTC hoạt động yếu ớt, bất động sản đóng băng, còn đầu tư vào vàng cũng không hề đơn giản, chỉ đưa 1 tỷ cho P. là mỗi tháng có 50-75 triệu đồng tiền lãi nên nhiều môi giới OTC bị mờ mắt.
Nói đến những môi giới OTC, dân chứng khoán đều biết rằng đây là những người cực kỳ nhạy bén, thậm chí rất “ma”. Vậy mà vẫn có những người làm môi giới 4-5 năm, tích cóp hơn 5 tỷ đồng, cũng gửi cho P. “đen” với mục đích “sinh lãi" an toàn.
Số tiền huy động được từ “cò” lớn có, “cò” nhỏ có, ngoài việc tiêu xài phung phí như xây nhà, đổi xe hơi xịn liên tục, P. đưa cho một “đối tác” khác của mình tên N. “xoay vòng”.
Bi kịch của CTCK
N. được đồn là vợ của một nhân vật khá có tiếng trong giới tài chính, đã tiến hành mở tài khoản tại nhiều CTCK khác nhau. Tại CTCK nào N. cũng là khách hàng VIP vì số vốn vài chục tỷ đồng và cũng có “danh” của chồng làm bảo chứng.
Sau một thời gian giao dịch, “đánh” mạnh và chi “sộp”, N. nghiễm nhiên trở thành khách hàng thân thiết của các CTCK và được hưởng những đặc quyền như tăng tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và chậm thanh toán.
Theo nguồn tin riêng, CTCK P. với hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp cho 300 tỷ đồng đã “dành trọn” để N. lướt sóng. Tính từ tháng 5-2010 đến nay, TTCK giảm nhiều hơn tăng, khó khăn ngày càng chồng chất, càng đánh lớn, càng lỗ nặng. Thua lỗ, cộng với áp lực trả lãi với lãi suất khủng N. lại càng say máu hơn nữa.
Sau khi để lại cục nợ tại CTCK này do sử dụng đòn bẩy, thay vì đóng tiền, N. lại sang CTCK khác mở tài khoản và lấy tiền do P. “đen” huy động và đánh tiếp.
Cứ “bài” này, N. hại hết CTCK này đến CTCK khác và tổng số nợ mà N. đã hại các CTCK phải “gánh” được tính bằng con số hàng trăm tỷ đồng và chủ nợ là các NHTMCP. Cũng cần nói thêm về các CTCK, với áp lực về thị phần, doanh số, đã cấp đòn bẩy không tiếc tay cho các khách hàng của mình đến khi “có chuyện” cũng gần như bất lực.
Bởi lẽ, do mối quan hệ với khách VIP, nhiều giao dịch có khi chỉ thông qua điện thoại, hoặc khách ngồi ngay sàn nói đặt lệnh. Cá biệt, nhiều trường hợp khách VIP giao dịch thiếu tiền, hẹn chiều hoặc sáng mai thanh toán, CTCK cũng “ok” không chút do dự. Chưa kể đến vấn đề sử dụng đòn bẩy mới chỉ được luật hóa rõ ràng trong thời gian gần đây, vì vậy những hợp đồng trước đó, muốn kiện tụng cũng không hề đơn giản.
Và điểm cuối cùng là không CTCK nào muốn “to tiếng” thông báo với các CTCK bạn về sai lầm của mình để cảnh báo vì điều này chẳng khác nào tự nhận mình “ngu”. Nuốt trái đắng vì lỗ đó.
Cái chết được báo trước
Như đã nói ban đầu, P. “đen” huy động đưa tiền cho N. đầu tư và phải trả lãi rất cao. Vì vậy, để giải quyết được bài toán trả lãi, không có cách gì khác hơn là phải huy động từ người sau trả cho người trước hoặc lấy gốc để trả lãi. Trong trường hợp của N. và P. số tiền này còn bị “bào mòn” bởi sự thua lỗ trong đầu tư chứng khoán.
Với biện pháp trên, khi không thể huy động được thêm tiền, hoặc số tiền thua lỗ quá lớn, không thể bù đắp, các CTCK “bắt bài” được N. thì ngày tận số của 2 nhân vật này cũng đã điểm. Điều đáng nói ở đây là việc P. và N. duy trì được những hành động của mình đến tận 2 năm là rất “cao thủ”, đến mức độ một môi giới OTC kỳ cựu phải thốt lên rằng 2 nhân vật này còn giỏi hơn cả… những cao thủ từng vào tù.
CTCK K. được đồn là “điểm đến” cuối cùng của N., đáng chú ý là N. lại có cả cổ phần của CTCK này. Do CTCK K. vốn có quy trình quản lý rủi ro cực kỳ chặt chẽ, nên N. gặp khá nhiều khó khăn trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Khoảng 2 tuần trước, khi bắt đầu có những thông tin về việc N. và P. bị các cơ quan an ninh đưa vào tầm ngắm, CTCK K. đã mạnh tay bán ra toàn bộ danh mục của N. đồng thời khi N. không thanh toán được số tiền nợ, CTCK K. cũng “siết” luôn cổ phần tại CTCK K. của N. và chuyển sang cho người khác.
Theo một số thông tin khác nhau, do N. đi đến một số CTCK sử dụng đòn bẩy lớn, vì vậy N. cũng kết thân với những chiến hữu nhằm hỗ trợ về mặt uy tín, thậm chí vay hộ N. để giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, đường dây huy động vốn của P. cũng được đồn đại là ra tận đến ngoài Bắc.
Vì vậy, khi bắt đầu không có khả năng trả lãi, chủ nợ của P. và N. từ Bắc đã vào trong Nam để truy tìm, cá biệt còn thuê cả xã hội đen. Và cuối tuần qua, do lo sợ tính mạng của mình, N. đã tiến hành đầu thú với các cơ quan an ninh.
Một điều rất dễ thấy là khi TTCK càng khó khăn, những vụ lừa đảo, vỡ nợ sẽ xảy ra ngày một nhiều và quy mô ngày một lớn. Điều này cho thấy hoạt động của các CTCK, hay hệ thống tín dụng dành cho các CTCK có quá nhiều kẽ hở về quản lý, phòng ngừa rủi ro. Và không loại trừ trong thời gian tới sẽ còn có những tin xấu liên quan đến các vụ vỡ nợ “khủng” hơn nữa.
Theo Sài Gòn đầu tư tài chính


HD Bank bị phát hiện 'xé rào' lãi suất huy động
(DĐDN) Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thêm một trường hợp một ngân hàng vẫn huy động lãi suất cao hơn mức trần quy định và cho biết sẽ mạnh tay xử lý.
Đây là lần đầu tiên sau gần một tháng thực hiện chỉ thị 02/CT-NHNN, một ngân hàng thương mại cổ phần bị phát hiện lách trần lãi suất.
Ngày 4/10/2011, trên cơ sở thông tin trinh sát thu được, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tiến hành kiểm tra chi nhánh Tân Bình của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) về việc chấp hành quy định trần lãi suất huy động của NHNN.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, Thanh tra NHNN và Tổng cục Cảnh sát đã phát hiện và thu thập đầy đủ các tài liệu, hồ sơ về việc Chi nhánh này vi phạm nghiêm trọng các quy định trần lãi suất huy động. Truớc các bằng chứng rõ ràng, Giám đốc chi nhánh, các cán bộ có liên quan đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Qua đấu tranh, khai thác đã phát hiện có sự chỉ đạo chung trong hệ thống HD Bank về việc cố tình vi phạm trần lãi suất. Thanh tra NHNN và Tổng cục Cảnh sát đã quyết định mở rộng diện thanh tra và điều tra đối với Hội sở chính và một số Chi nhánh khác của HD Bank. Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
Sau một tháng thực hiện Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 7/9/2011 của Thống đốc NHNN, tuyệt đại đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chấp hành nghiêm túc với tinh thần tự giác cao, mang lại sự chuyển biến tích cực, lành mạnh trong toàn hệ thống, được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt liệt ủng hộ. NHNN nhận định, hành vi vi phạm của HD Bank là hết sức nghiêm trọng, không những vi phạm các quy định của pháp luật mà còn là sự cạnh tranh không lành mạnh, đi ngược lại quyền lợi của các TCTD khác trong hệ thống. Đây là hành vi vi phạm có tổ chức. Vụ việc này sẽ được xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh việc xử lý hành chính sẽ xử lý hình sự với một số đối tượng theo đúng quy định của pháp luật hình sự.
Xử lý vụ việc này sẽ là một lời cảnh báo sâu sắc đối với các TCTD đã, đang hoặc có ý định vi phạm trần lãi suất. NHNN và Bộ Công an có đủ khả năng phát hiện và xử lý mọi hành vi vi phạm.
NHNN yêu cầu các TCTD chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Thống đốc NHNN, tiến hành kiểm tra việc chấp hành của tất cả các đơn vị, chi nhánh trong toàn bộ hệ thống của mình. NHNN cũng kêu gọi các TCTD tiếp tục phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm của các TCTD khác, đảm bảo quyền lợi chung của toàn hệ thống các TCTD và của cả nền kinh tế, đảm bảo sự lành mạnh và uy tín trước mọi tầng lớp nhân dân.
P.V


Khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động
TP - Theo Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VISP) - Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 4 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc và giày da phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể do khó khăn về tài chính và thị trường, gồm:
Cty TNHH United Garment Việt Nam (vốn đầu tư hơn 5,7 triệu USD); Cty TNHH Newtex (vốn đầu tư hơn 8,6 triệu USD); Cty TNHH Everich (vốn đầu tư 2 triệu USD) và công ty TNHH Hamlin Việt Nam (vốn 10 triệu USD).
Bên cạnh đó, còn có 4 dự án phải thanh lý, giải thể và chấm dứt hoạt động với tổng vốn đăng ký là 11,8 triệu USD.
Song Nguyễn


Hệ thống ngân hàng Việt Nam: 'Cháy nhà' ra... nợ xấu
Đăng lúc: 10/8/2011 10:12:09 AM,
Với hệ thống ngân hàng Việt Nam, cuộc khủng hoảng thực sự là cơn hỏa hoạn, "cháy nhà" ra... nợ xấu. Không dừng lại ở các báo cáo, nợ xấu trên thực tế còn trầm trọng hơn nhiều. Doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa, các hợp đồng tín dụng đổ bể đang thực sự đe dọa sự an toàn của các ngân hàng thương mại.
Cần có sự nhìn nhận đúng mức, khách quan về hiện tượng này. Lehman Brothers là bài học không nên bỏ qua.
Những con SỐ ĐẸP về NỢ XẤU
Chuyện DN nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm đang là đề tài nóng bỏng từ các văn phòng công sở, tòa nhà cho thuê ra đến từng quán cóc vỉa hè. Cộng đồng doanh nghiệp đang sống trong "cơn lốc" về nợ. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang tăng từng ngày.
Báo cáo của Đảng ủy Khối DN Trung ương hôm 8/9 cho thấy, nợ xấu đang là vấn đề nóng bỏng, đáng chú ý là các ngân hàng có vốn Nhà nước. Trong đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nợ xấu chiếm tới 3,47% tổng dư nợ. Tỷ lệ này tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là 6,67%... Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 7 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 3,04% trên tổng dư nợ cho vay. Con số này của năm 2010 là 2,16%.
Với những người am hiểu về lý thuyết nghiệp vụ ngân hàng có thể thấy, đó là những con số đẹp. Lý do, tỷ lệ nợ xấu là vậy, nhưng trong đó, không phải món nào cũng có khả năng mất vốn (Nhóm 5). Bởi, mỗi món nợ trước khi giải ngân đều có tài sản thế chấp, hay chí ít cũng là tài sản đảm bảo. Ngân hàng thương mại cho vay theo nguyên tắc: "Trông giỏ bỏ thóc". Trước khi hợp đồng tín dụng được ký đều đã có hệ thông chuyên gia thẩm định dự án, phương án kinh doanh, khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi. Rồi nữa, tài sản thế chấp đều được đánh giá thấp hơn giá trị thực ít nhất là 30%.
Cần có sự nhìn nhận đúng mức, khách quan về tình trạng nợ xấu.

Ngân hàng thương mại bao giờ cũng nắm đằng cán. Khi có rủi ro, ngân hàng sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý giải chấp tài sản, chủ nợ "chạy lên giời".
Đó là chưa kể đến chuyện về mặt kế toán, ngân hàng bao giờ cũng có khoản dự phòng rủi ro. Một số ngân hàng thương mại trích lập đến dăm bảy phần trăm trong tổng số dư nợ. Khi có nguy cơ mất vốn, ngân hàng sẽ dùng khoản này để bù đắp vào các khoản vốn không có khả năng thu hồi, không thể nào mất được.
Và những phần chìm của tảng băng
Rõ ràng, với lý thuyết ấy, chuyện các ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu dăm ba phần trăm trong tổng dư nợ vẫn là những con số đẹp. Các nhà quản lý hoàn toàn có thể yên tâm.
Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Mới đây, trong một lần về quê, ghé qua Con Cuông, đi qua nhà máy sản xuất bột giấy một thời được tỉnh Nghệ An coi như là một điểm sáng về đầu tư. Khác với những thông tin hoành tráng hồi động thổ, khởi công là cảnh đìu hiu vắng vẻ. Không một tiếng động của hệ thống máy móc, không có cảnh ra vào tấp nập của các chuyến xe tải...
Cách khu văn phòng không xa là bãi chứa nguyên liệu rộng cỡ héc ta, trên đó bạt ngàn là cây gỗ nguyên liệu được xếp từng đống, từng đống trùng điệp. Cứ nhìn những cây gỗ bạc thếch có thể thấy chúng đã nằm ở đây một số năm không được ai đụng chạm đến.
Theo một công nhân ở đây, nhà máy được xây dựng trên diện tích 8,9 ha với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, với có công suất 45.000 tấn/năm. Cứ như dự tính ban đầu, nhà máy giấy này sẽ cho ra những sản phẩm bột giấy chất lượng cao được khử trắng từ 85 đến 95%... Nhà máy này không chỉ là điểm nhấn làm thay đổi bộ mặt của huyện miền núi Con Cuông mà còn là của cả phía Tây tỉnh Nghệ An.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó, thiết bị lại nhập từ Trung Quốc nên sản phẩm làm ra không như mong muốn ban đầu. Thị trường lại quá xấu nên nhà máy đắp chiếu đã được hơn năm nay, còn chủ đầu tư thì đã chuyển sang làm... khoáng sản.
Từ những dự án đẹp, từ những ý tưởng hoành tráng và lãng mạn của các chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại đã nhào vô, coi đây là cơ hội để tăng dư nợ, tăng doanh thu, tha hồ giải ngân, tha hồ mở rộng thị phần. Không chỉ có thế, đằng sau sự thẩm định, sự giải ngân là những lợi ích khác mà nhà đầu tư nào muốn tiếp cận ngân hàng đều không dám quên.
Với số vốn đầu tư như đã nói ở trên, chủ đầu tư chỉ có thể triển khai được khi dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Gọi điện cho một cán bộ của Agribank Nghệ An, anh này cho biết: Mấy năm trước đây, chủ đầu tư đã gửi hồ sơ cho Agribank tỉnh, nhưng do dự án quá lớn, lãnh đạo ngân hàng này đã giao cho một chi nhánh thẩm định và giải ngân. Số tiền cho vay lên đến gần ngàn tỷ đồng.
Lạm phát đồng lõa với nợ xấu
Chuyện nhà máy giấy ở Nghệ An như đã nêu ở trên chỉ là một trong số hàng trăm dự án trong cả nước, sau một thời gian vay vốn ngân hàng, dốc hầu bao đầu tư rồi đắp chiếu để đấy.
Mới đây, báo chí đã đưa tin về một số doanh nghiệp ở các tỉnh như Hải Dương, Phú Thọ cũng đang rơi vào cảnh sống dở chết dở. Trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Tasco Polycon, chuyên sản xuất vải bao và may xuất khẩu (Cụm công nghiệp Đồng Lạng). Đây là 1 trong 4 công ty Hàn Quốc đã vay khoảng 12 triệu USD của Agribank Phú Thọ nhưng không có khả năng trả nợ nên chủ đầu tư đã bỏ về nước mà chưa hẹn ngày trở lại.
Theo báo cáo của các địa phương trong cả nước, chỉ thống kê riêng các ông chủ đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, đã có hơn 200 dự án bị phá sản, giải thể do gặp khó khăn về tài chính. Trong đó, có hơn 20 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc và Đài Loan tại 12 địa phương còn nợ đọng ngân hàng không có khả năng trả nợ với số tiền gần 80 triệu USD. Riêng Phú Thọ gần 17 triệu USD; Hải Dương khoảng 50 triệu USD...
Trong trường hợp dự án nhà máy giấy ở Nghệ An, để giải chấp, thu hồi nợ không phải là đơn giản. Bởi, với chuyện thế chấp sổ đỏ 8,9ha đất ở Con Cuông, để bán đấu giá thu hồi vốn là vô cùng khó khăn. Bởi, Con Cuông không phải là Hà Nội hay Sài Gòn để tấc đất có thể biến thành tấc vàng. Rồi nữa, hệ thống dây chuyền sản xuất bột giấy được nhập từ Trung Quốc do NH bảo lãnh, khi dây chuyền này không hoạt động, giá trị của nó chỉ tương đương giá... sắt vụn.
Ngân hàng quốc doanh sẽ giải quyết chuyện này thế nào đây? Chuyện này không khó. Cũng như trước đây, khi xảy ra đổ bể khổng lồ ở vụ Epco, Minh Phụng. Nợ xấu sẽ được khoanh lại, tài sản sẽ được giao cho công ty quản lý nợ. Theo đà lạm phát, bất động sản liên tục tăng giá. Một số năm sau, nền kinh tế phục hồi, bán tài sản thế chấp sẽ khỏa lấp những khoản nợ nần cũ.
Về mặt pháp lý, người ta chỉ tính những khoản thất thoát, thua lỗ của ngân hàng bằng một loại thước đo đó là "Việt Nam đồng" mà không tính đến sự thất thoát giá trị do lạm phát. Nhờ đó, về mặt sổ sách, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại vẫn liên tục tăng, vốn nhà nước giao vẫn được bảo toàn và phát triển, các nghĩa vụ nộp Ngân sách vẫn đảm bảo... Đó là những lý do mà các các NH thương mại quốc doanh dẫu nợ xấu tăng cao vẫn được tôn vinh.
Ở góc các ngân hàng thương mại, rõ ràng là lạm phát đang đồng lõa với nợ xấu.
Tuy nhiên, nợ xấu không còn dừng lại ở việc thành tích bị ảnh hưởng nữa mà liên quan đến sự an toàn của các ngân hàng. Cũng như lạm phát, nợ xấu là kẻ thù của nền kinh tế. Nếu muốn có một sự phát triển bền vững không có cách nào khác phải kiểm soát được lạm phát và nợ xấu. Cuộc khủng hoảng tài chính vẫn như một bóng ma ám ảnh nền kinh tế toàn cầu. Với hệ thống ngân hàng, đây thực sự là một thử thách khắc nghiệt.
Ba năm trước, sự sụp đổ của Lehman Brothers sau hơn 150 năm tồn tại cũng chỉ bắt đầu bằng những khoản nợ xấu liên tục tăng mà không được xử lý kịp thời. Nhìn nhận nợ xấu, nếu chỉ căn cứ vào những phần nổi e không đủ. Khi không đánh giá hết sự những phần chìm khiến nợ xấu cứ âm thầm tăng cao là lúc mà những cái chết lâm sàng đang đến với hàng chục ngân hàng thương mại.
Nguồn: Theo (VEF.VN)


Giá sữa bị thổi phồng phi lý: Người tiêu dùng gánh hạn
Giá sữa hiện tại đã bị đẩy lên cao quá mức một cách phi lý, gấp 2-2,5 lần giá trị thực. Trong khi đó các bà mẹ thì vẫn tin rằng sữa càng đắt tiền càng tốt và uống sữa ngoại giúp trẻ thông minh, cao lớn hơn.
Giá sữa ở Việt Nam cao hơn giá sữa cùng loại ở một số nước trong khu vực từ 60% đến hơn 200%.

Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2011, tháng nào cũng có nhãn sữa tăng giá, trong đó có 5 lần tăng giá liên tiếp và 3 lần tăng giá sâu.
Giá sữa tăng cao phi lý
Theo ghi nhận của PV, giá sữa tháng 9 vừa qua đã tăng từ 4-15% so với trước. Theo đó các loại sữa bột Dutchlady, Friso, Friso Gold, Friso Gold Mum đồng loạt tăng từ 54.000-81.000 đồng/hộp. Chẳng hạn Frisolac 1 lon 900gr tăng 7500 đồng, từ 261.000 đồng lên 268.500 đồng. Hãng XO của Hàn Quốc cũng tăng từ 15.000-30.000 đồng tùy hộp.
Điều đáng nói là nguyên nhân của các đợt tăng giá không rõ ràng. Trong khi giá sữa bột thế giới đã xuống mức giảm thấp nhất trong hơn một năm qua, thì tại Việt Nam, thị trường sữa nhập khẩu không giảm mà còn tăng. Đó là một sự phi lý.
Tuy nhiên, theo kiểm tra của Bộ Tài chính thì giá sữa tại Việt Nam luôn cao ngất là do các doanh nghiệp và đại lý sữa đã chi quá nhiều cho quảng cáo, tiếp thị...
Khảo sát hồi tháng 6/2011, các yếu tố điện, xăng dầu chỉ tác động phần nhỏ đến giá sữa, trong khi nhiều khoản vượt chi như chi phí tiền lương, chi phí quảng cáo, tiếp thị... của các công ty sữa luôn vượt khung quy định.
Trong một đợt thanh kiểm tra liên ngành về giá sữa tại TP.HCM cũng cho kết quả một số loại sữa có giá bán cho người tiêu dùng đắt gấp 2,5-3 lần giá vốn. Như vậy một hộp sữa 900gr nhập khẩu giá từ 100.000 đồng thì khi bán ra thị trường được đề ở mức 250.000-300.000 đồng. Chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu và bán hàng của các hãng sữa ngoại đang chiếm phần lớn và được cộng vào chính giá bán của mỗi hộp sữa.
Thông thường, các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30% chi phí kinh doanh; thậm chí có DN con số này lên tới 60-70%. Kết quả thanh tra cuối năm 2009 của Bộ Tài chính cho thấy, giá sữa thường được đẩy lên gấp 2-3 lần giá vốn. Nhiều sản phẩm sữa ngoại, nhất là những loại sữa dùng riêng cho trẻ nhỏ, người bệnh còn được đẩy giá cao tới gần 4 lần giá vốn.
Đại diện Công ty Vinamilk cho biết: Giá sữa ngoại hiện đang cao gấp 3 lần sữa nội. Cùng sản phẩm sữa ngoại, giá bán ở VN so với một số nước cao hơn từ 20-30%.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng đã có điều tra chứng minh giá sữa ở Việt Nam cao hơn giá sữa cùng loại ở một số nước trong khu vực từ 60% đến hơn 200%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá sữa tăng là ở khâu phân phối, từ lúc kê khai giá sữa nhập khẩu về Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa thường chọn cách “bắt tay” với nhà sản xuất kê giá sữa từ nhà sản xuất lên cao hơn mức bình thường, chấp nhận chịu thuế nhập khẩu vào Việt Nam cao hơn rồi cộng thêm các chi phí khác và thổi giá cao ngất ngưởng.
Tâm lý giá cao thì hàng tốt của không ít khách hàng Việt Nam cũng là một trong những tác nhân khiến nhiều hãng sữa nước ngoài thu tiền tỉ nhờ bán sữa với giá “cắt cổ”. Hiện cả nước có khoảng trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nhưng thực tế chỉ có khoảng 4 đến 5 nhãn hiệu thâu tóm từ 80 đến 90% tổng sản lượng bán ra trên thị trường. Chỉ cần sự bắt tay liên minh của các thương hiệu này là thị trường sữa sẽ bị lũng đoạn mà không cơ quan quản lý nào có thể kiểm soát được.
TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá - bày tỏ: “Giá sữa đang tăng rất vô lý, có lúc doanh nghiệp nói giá sữa tăng do giá đường tăng. Phải chăng thành phần chủ yếu để sản xuất sữa là đường?”.
Ngoài các chương trình quảng cáo, truyền thông “hoành tráng” và thường xuyên, các nhãn sữa ngoại còn tận dụng mọi cơ hội để lọt vào tầm mắt của người mua mà việc chi hoa hồng cho phần trưng bày tại các đại lý sữa là một ví dụ.
Theo đó, nhiều nhãn sữa ngoại thường cử nhân viên đến từng đại lý, cửa hàng chọn các góc trưng bày đẹp nhất để hợp đồng với người bán.
Tìm hiểu tại nhiều đại lý cho thấy, giá trưng bày 1 hộp sữa ở vị trí đẹp dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/hộp. Với một kệ hàng khoảng 100-200 hộp, mỗi nhãn sữa ngoại chi tiền trưng bày cho đại lý khoảng từ 1 triệu - 2 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí khác như chiết khấu % hay các chương trình khuyến mãi.
Đó là lý do khiến bất kỳ đại lý sữa lớn nào, các hãng sữa ngoại luôn được trưng bày ở vị trí đẹp nhất, vào giờ cao điểm còn có 2-3 nhân viên trẻ mặc đồng phục phụ bán với chủ cửa hàng.
Theo một chủ đại lý sữa, vì có thêm nhân viên của hãng sữa nên gần như không phải thuê thêm người bán. Trong khi đó các hãng sữa nội vì nhiều lý do nên chưa chăm sóc hệ thống phân phối của mình kỹ càng bằng sữa ngoại nên luôn được xếp góc trong cùng.
Theo Huyền Chi
ANTĐ


Đủ chiêu 'đánh bóng' thực phẩm lừa người mua
Chân gà trắng tinh, gà mổ sẵn vàng ruộm, da căng, vịt quay vàng óng ả màu cánh gián..., tuy nhiên, chính việc chuộng những thực phẩm bắt mắt này lại đẩy người tiêu dùng vào nguy cơ ăn phải độc tố.
Tại TP HCM, nhiều người bán hàng thừa nhận, một số dòng thực phẩm như ngó sen, chân gà, bì lợn... đều ít nhiều phải trang trí thì người mua mới chịu. Hơn nữa nếu không làm thế thì những loại này có thể bị ngả màu, khi đó thì dù có bán rẻ cũng chẳng có ai lấy.
“Không còn cách nào khác bởi ngó sen bán cả ngày mà không ngâm chất tẩy trắng thì không thể giữ được màu sắc trắng đẹp. Mà sản phẩm không đẹp thì người mua sẽ chê”, chị Hằng, chủ quầy bán rau cải tại chợ An Đông, quận 5 thừa nhận.
Chân gà trắng phau là món từng bị phát hiện ngâm ôxy già. Ảnh: Thiên Chương.

Một dòng sản phẩm khác cũng phải luôn được "mông má" là loại chân gà rút xương dùng để chế biến món gỏi. Chị Hoa, chuyên kinh doanh thực phẩm tại chợ Bình Tây, quận 6 cho biết, sau khi giết mổ gà, ngoài phần thân được mang đi bán thịt, chân gà công nghiệp được loại riêng.
“Sau công đoạn rút xương, phần da và gân của chân gà sẽ được ngâm tẩy để từ màu trắng ngà trở thành trắng tinh. Nhờ công đoạn này, chân gà sau khi chế biến sẽ đẹp mắt hơn”, chị Hoa tiết lộ.
Tại một điểm kinh doanh tại quận 3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM từng phát hiện gần 200 ký chân gà thâm tím đã và đang được làm trắng bởi dung dịch ôxy già. Cạnh số chân gà đang xử lý là chân gà thành phẩm trắng phau.
Tại quận Bình Tân và quận 6, hai cơ sở chế biến bì lợn đã "phù phép" để biến những mảng da bốc mùi hôi thối trở thành những sợi bì trắng nhờ ngâm hóa chất và dung dịch ôxy già. Tại quận 10, hàng trăm ký thịt bò quá hạn sử dụng, thậm chí nhiều lô thịt bị hỏng đã bị phát hiện đang được chế biến thành khô bò.
Không chỉ làm trắng đẹp sản phẩm, thực phẩm còn được nhuộm các loại màu sặc sỡ để che đậy thực tế. Chủ một quầy vịt quay trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 8 thừa nhận, sau khi quay, nếu màu vịt còn tai tái thì khách không ưa chọn. “Chính vì thế chúng tôi phải pha thêm phẩm màu để quét lên cho đẹp mắt”, ông này nói.
Anh Quang, bán gà tại một chợ ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: "Chúng tôi cũng có muốn nhuộm vàng gà đâu, nhưng không nhuộm thì các bà đi chợ cứ nâng lên rồi đặt xuống. Thậm chí có người còn bảo gà trắng là gà chết".
Trong khi thực tế, bình thường con gà có màu vàng nhạt, một số con ăn nhiều ngô có thể có màu vàng đậm hơn một chút nhưng màu vàng không đều. Những con nào có màu vàng ruộm, vàng sẫm, màu vàng đều tăm tắp từ đầu đến chân thì nhiều khả năng là do nhuộm vàng.
Vịt quay được trang điểm bằng phẩm màu. Ảnh: Thiên Chương.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chính thói quen thích mua gà vàng, da căng mà người tiêu dùng tự làm khổ mình. Gà vàng là do nhuộm, da căng là do người bán bơm nước dưới mặt da làm cho mặt căng. Con nào mà khớp đùi, cánh dô lên thì rất có thể do bị bơm nước, để làm tăng trọng lượng.
Măng cũng là loại thực phẩm dễ bị ngâm tẩm hóa chất vì dễ đổi màu, thậm chí vừa luộc ra măng đã thâm đen. Bình thường với măng tươi không ngâm tẩm hóa chất, mua về ngâm muối để trong tủ lạnh thì cũng phải ăn ngay trong 2-3 ngày, lâu hơn là hỏng. Vì thế, người bán thường cho một chút hóa chất để măng tươi được mềm, giòn, hấp dẫn, lại để được lâu.
"Đối với măng khô, muốn ngâm, luộc để bán không nát và hỏng thì cứ cho chút bột trắng vào, tối luộc sáng bán ngay. Ngâm chất này bán cả tháng măng vẫn vàng, mềm, đẹp", một chủ cửa hàng ở chợ Thành Công cho biết.
Một chuyên gia của Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện hóa chất và chất phụ gia thực phẩm được bày bán rất tràn lan nhưng không được quản lý một cách chặt chẽ. Trong khi đó nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, trong ngâm măng có rất nhiều hóa chất được phép sử dụng như sodium sulphite (Na2SO3), sodium hyposulfite (Na2S2O3)... Tuy nhiên, cùng là tên hóa chất đó thì chỉ có loại tinh khiết mới được dùng trong thực phẩm.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, để an toàn khi mua măng về, người tiêu dùng nên luộc kỹ trước khi chế biến vừa giúp loại bỏ phụ gia thực phẩm tẩy măng vừa loại độc tố trong măng. Măng luộc không kỹ có thể gây ngộ độc cấp với biểu hiện nhức đầu, chóng mặt buồn nôn, nặng có thể tử vong.
Ngay cả khi đã luộc kỹ, món măng (nếu được dùng thường xuyên) cũng có thể gây ngộ độc mạn tính, khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu. Nguyên nhân là vì trong măng có chứa nhiều chất HCN, khi vào cơ thể sẽ biến thành chất độc.
Anh Huỳnh Văn Truyền, người từng nhiều năm kinh doanh tạp hóa tại chợ Bình Tây quận 6, nay đã chuyển nghề, cũng cho rằng, chuyện "trang điểm" cho thực phẩm thời nào cũng có. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân, một là người bán làm ăn gian dối, hai là do người tiêu dùng có thói quen chuộng thức ăn có hình thức bắt mắt.
Theo hướng dẫn của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), với những loại thực phẩm dễ ngâm tẩm hóa chất, nhuộm màu như vịt quay, chân gà nướng, măng, bì lợn... thì người tiêu dùng nên chọn mua loại có màu tự nhiên. Chẳng hạn, với măng đã ngâm, nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng của các cơ sở uy tín. Măng ngon là măng có mùi thơm đặc trưng, nếu có màu trắng, vàng bất thường và có mùi lạ khó chịu thì không nên sử dụng. Hay khi chọn mua gà mổ sẵn thì chọn con có màu vàng nhạt hoặc hơi đậm một chút nhưng màu vàng không đều...
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc cảm quan thấy không an toàn. Tránh mua các loại thực phẩm nghi ngờ có dùng hóa chất như: thực phẩm chế biến có màu quá lòe loẹt hoặc trắng sạch quá mức, không nên mua những thực phẩm có dấu hiệu không còn tươi.
Thiên Chương - Phương Trang


Không cơ quan nào nhận sai, dân lãnh đủ
TP - Hàng chục hecta rừng cao su sắp tới kỳ thu hoạch tại huyện Phong Điền (tỉnh TT- Huế) đang phải vứt bỏ oan uổng do bị ngập úng và vướng quy hoạch khu vực lòng hồ thủy điện Hương Điền.
Đường núi vào vùng chuyên canh cao su Phong Sơn cũng thường xuyên ngập lụt do hồ thủy điện tích nước Ảnh: Ngọc Văn.

Trắng tay sau ngày tích nước
Đầu năm 2010, vùng rừng cao su xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) thuộc thượng nguồn sông Bồ xuất hiện tình trạng chết ngập sau khi thủy điện Hương Điền tích nước lòng hồ để phát điện. Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2006, Phong Sơn thực hiện chương trình quốc gia về phát triển cây cao su tiểu điền. Đất trồng được huyện giao rõ ràng, đúng trình tự thủ tục, dân không làm tự phát. Chính quyền không hề hay biết các vùng trồng cao su bị ngập nước như hiện nay lại thuộc lòng hồ thủy điện. Thời điểm thủy điện mới tích nước (cao trình dưới 35m), chỉ có hơn 7 ha cao su của 5 hộ dân bị ngập thôi. Sau này, khi lòng hồ tích nước đạt cao trình 58,17m, cả xã có khoảng 100 ha cao su và rừng keo của gần 90 hộ dân bị ngập”.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, để tránh lãng phí đầu tư, UBND huyện Phong Điền yêu cầu ngân hàng ngưng cho vay vốn chăm sóc đối với các hộ dân có hàng chục hecta rừng cao su gần tới kỳ thu hoạch mủ. Thiếu vốn, lo ngại rủi ro, người dân đành ngậm ngùi vứt bỏ nhiều khoảnh rừng trồng từng tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư canh tác.
Ông Hồ Đức Năm (trú thôn Phổ Lại, Phong Sơn) kể: “Tui trồng hơn 3 ha cao su, được 5 năm tuổi, 2 năm nữa là cho thu hoạch mủ. Chi phí cho mỗi hecta cao su gần 100 triệu đồng, chủ yếu vay mượn từ ngân hàng. Nay nguồn vay không còn, cây bị bỏ chết, mất trắng. Đường núi hiểm trở, ngập lụt, muốn thu hoạch cây để làm củi cũng không thể”.
Ông Thái Công Sâm (thôn Tứ Chánh, Phong Sơn) than: “Dân trồng cao su như tui đây đang đối diện nguy cơ tái nghèo. Gần 2 năm nay, dân kêu nhiều lắm rồi, nhưng chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm giải quyết bồi thường. Ngân hàng thì họ vẫn tính lãi vay đều đặn...”.
Ngoài ông Năm, ông Sâm, tại Phong Sơn hiện có gần 100 hộ dân khác cùng chung tình cảnh trắng tay, nợ nần do đầu tư trồng cây cao su nhầm vào vùng lòng hồ ngập nước.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Dự án thủy điện Hương Điền (tên trước đây là thủy điện Cổ Bi) được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư giữa năm 2005. Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, trước năm 2005, vùng trồng cao su Phong Sơn là đồi núi trọc, chưa có thủy điện.
Năm 2005, trên cơ sở khảo sát, xác định diện tích trồng cao su (khoảng 370 ha) từ Đoàn Điều tra quy hoạch rừng TT- Huế, UBND huyện lập dự án và được Ban Quản lý Dự án Đa dạng hóa Nông nghiệp tỉnh chấp nhận.
Năm 2006, huyện hợp đồng cơ quan chuyên môn thiết kế trồng cao su, dân được giao xử lý thực bì (từ tháng 3 đến tháng 6-2006) và nhận lô canh tác. Căn cứ kết quả kiểm tra, thẩm định của Trung tâm Tài nguyên Môi trường tỉnh TT- Huế, UBND huyện Phong Điền đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cao su cho dân Phong Sơn vào cuối năm 2006. Diện tích giao đất thực tế là 244,99ha, cho 123 hộ dân.
“Lộ trình trồng cao su được huyện chỉ đạo từ năm 2005, bảo đảm các thủ tục về quy hoạch, sử dụng đất, giao đất từ tỉnh xuống cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi không lường hết cách làm của các cơ quan giúp việc”, ông Cho nói.
Ông Lê Hạ, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch & Thiết kế Nông-Lâm-Ngư tỉnh TT- Huế giải thích: “Quả thật, chúng tôi không nắm được quy hoạch và ranh giới lòng hồ thủy điện, không biết mốc ngập nước đến ngang đâu.
Năm 2005, chúng tôi tổ chức đo đạc theo hợp đồng từ Trung tâm Kỹ thuật- Sở Tài nguyên Môi trường, nhằm xác định nơi nào trồng được cây cao su. Riêng phần thiết kế trồng rừng kinh tế (thuộc dự án WB3), đơn vị trực tiếp làm và có thiếu sót là không rà soát các loại quy hoạch”.
Theo UBND huyện Phong Điền, giữa năm 2007, đơn vị quản lý thủy điện bàn giao tim mốc trên thực địa. Lúc này, dự án cao su tại Phong Sơn đã thực hiện xong. Đơn vị quản lý thủy điện thì cho rằng, toàn bộ diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng bởi lòng hồ được quy hoạch và canh tác sau thời điểm có quyết định đầu tư thủy điện.
Mặt khác, quá trình đo vẽ bản đồ địa chính vùng lòng hồ, số diện tích bị ngập kể trên không thấy thể hiện. Đến nay, các bên tiếp tục đưa ra những căn cứ, cơ sở để khẳng định mình không làm sai. Tuy nhiên, những tranh cãi trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan vẫn chưa ngã ngũ.


Sắp sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Cập nhật: 08-10-2011 10:35
Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi bổ sung 4 dự án Luật lớn, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Hiện nay, các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân đóng góp cho ngân sách 29.000-30.000 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân để trình Chính phủ vào tháng 5/2012 và đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 7/2012.
Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009 quy định, người lao động nằm trong diện chịu thuế được giảm trừ tối đa cho mình 4 triệu đồng mỗi tháng và thêm 1,6 triệu đồng cho mỗi cá nhân phụ thuộc (cha mẹ, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi…). Phần thu nhập còn lại sau khi trừ các khoản này mới bị tính thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng các mức giảm trừ này lạc hậu quá xa so với thực tế, nhất là khi giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của người làm công ăn lương... Bên cạnh đó, không ít quan điểm đang cho rằng khoảng cách giữa các bậc thuế hơi dày nên tạo áp lực rất lớn cho người nộp thuế. Chẳng hạn như mức 5-10 triệu đồng rồi 10-18 triệu đồng, do khung hẹp nên những người có thu nhập cao có mức điều tiết thuế tương đối cao. Đây cũng là một điểm được xem xét sửa đổi bổ sung trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ cho phép miễn thuế đối với các khoản thu nhập dưới 9 triệu đồng trong thời gian 5 tháng, tức là từ 1/8 đến hết 31/12/2011. Ngoài ra, một số khoản thu nhập từ cổ tức, chứng khoán cũng nằm trong diện được miễn giảm thuế lần này.
Chính phủ ước tính, tổng số thuế dự kiến miễn giảm theo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn của Quốc hội lần này vào khoảng 13.300 tỷ đồng.
Hiện nay, các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân đóng góp cho ngân sách 29.000-30.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, khoảng 70% số thuế được thu từ đối tượng làm công ăn lương; 12% thu từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, tương đương 3.600 tỷ đồng. Còn lại là từ các khoản thu nhập khác.
Hồng Anh
nguon thegioinguoiviet.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét