Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Đôi điều về ngày tái lập tỉnh Lào Cai

Đôi điều về ngày tái lập tỉnh Lào Cai

Mẹ Nấm - Lào Cai, một tỉnh biên giới Việt-Trung. Người Pháp lập tỉnh năm 1907 và đặt tên là Lào Kay. Người Việt vẫn quen gọi Lào Cai mặc dù con dấu hay giấy tờ văn bản liên quan của người Pháp dùng là Lao Kay.

Ngày 27/2/1975 đảng và nhà nước sát nhập Lào Cai và Yên Bái thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Việc tách, nhập tỉnh có thể để phù hợp với hoàn cảnh và phương thức xây dựng hay những quyết sách về kinh tế. Dù với bất kỳ lý do gì, hệ quả ra sao, những quyết định này phải được xem như một sự kiện lịch sử.

Đến tháng 8/1991, Hoàng Liên Sơn lại được tách ra thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái như nhiều tỉnh thành trong cả nước “hòa chung không khí tách – nhập”. (Nghe cứ như chuyện khắc nhập – khắc xuất trong truyện "Cây tre trăm đốt")

Việc ký quyết định tái lập tỉnh Lào Cai vào ngày nào, chắc chắn không thể sửa đổi. Bởi đó là chuyện giấy trắng mực đen và dấu đỏ.
Thế nhưng, chuyện kỷ niệm ngày tái lập tỉnh Lào Cai là một vấn đề.

Xưa nay, chuyện làm cái lễ kỷ niệm cho một sự kiện nào đó, nếu “rớt” vào năm “chẵn” (được xem là bội của 5, đuôi 0 hoặc 5) thường làm rầm rộ hơn.

Kỷ niệm hai mươi năm tái lập Lào Cai không là ngoại lệ. Có thể tổ chức “to” hơn một tí, quy mô hơn một chút so với 15 hay 25 năm chẳng hạn. Nhân thể, có thể trao tặng huy hiệu hai mươi năm tuổi gì đó hay huân huy chương vì “sự nghiệp” gì đó cho công bộc cũng là cách hay.

Rồi nữa, có thể nhân đây nhà nước lại tặng cho tỉnh Lào Cai cái danh hiệu cao quý như “anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” hay huân chương Độc lập các hạng thì sao?

Tiện quá đi chứ? Cán bộ và nhân dân tỉnh Lào Cai lại mở mày mở mặt với các tỉnh thành trong cả nước và nhất là với tỉnh bạn.

Đó là chuyện của tỉnh.

Quay lại với ngày kỷ niệm.

Thường thì quyết định của cấp trên ký có hiệu lực ngày nào thì phải lấy đó làm ngày kỉ niệm.

Đó là nguyên tắc hành chính bất di bất dịch. Đã xem như một dấu hiệu, một sự kiện lịch sử trọng đại, chứ đâu phải một công ty trách nhiệm (sắp) hết hạn nào đâu mà muốn xê dịch thế nào cũng được? Nó phản ánh ý chí, sức mạnh và kỷ luật của chính thể chứ đâu ít?

Ví dụ như vừa rồi, tỉnh Hà Tĩnh kỷ niệm 300 năm tỉnh Hà Tĩnh là một chuyện. Hoặc Hà Nội năm ngoái kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long là để đánh dấu mốc lịch sử cho một vùng đất. Là hoạt động văn hóa nhưng mang màu sắc và có tác động chính trị. Cũng như ngày sinh của một người, đã ghi vào giấy đóng triện đỏ chót, muốn sửa để hợp thức hóa điều gì cũng phải qua không ít thủ tục đâu? Giả sử, vì lý do “tâm linh” mà sửa sang lại ngày giờ thì tính công khai ở đâu? Hoặc, sao không là ngày 15, 20…? Không lẽ tháng đó (đã qua) chỉ có ngày đó là “tốt” thôi sao?

Sửa đổi âm thầm, nhập nhèm đã đành, bên cạnh cái không minh bạch này là cả một sự hoài nghi ghê gớm của dân chúng. Sự hoài nghi ấy lại càng tăng cao khi chuyện sửa đổi ngày tái lập tỉnh “rơi’ đúng vào thời điểm không mấy phẳng lặng này…

Khách quan mà xét, làm một cái lễ để “ôn cố tri tân” không được sự nhất trí đồng lòng của nhân dân và dư luận thì điều chẳng đáng. Một gia đình đông con, ông bố mất vào ngày xyz nào đó, tức ngày giỗ theo tập quán vùng miền. Rõ ràng, ngày thắp nhang cúng cụ chắc chắn là không thể thay đổi. Con trưởng cũng chẳng thể họp anh em mà quyết định lại hoặc tự ý. Chuyện mời mọc khách thì tùy, tiện như thế nào thì làm thế ấy. Chắc hẳn vong linh của người đã khuất chẳng quan tâm chuyện này?

Xin quay lại với tỉnh Lào Cai.

Lễ kỷ niệm đã diễn ra, và … dư luận lại im ắng và có thể cho qua???

Vâng, dân mình vốn vị tha.

Dân ta đã vị tha một lần rồi đối với ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long được chọn sai lịch sử.

Có điều, một lần đến hai lần thì sẽ có thể còn nhiều lần trong ... vị tha???

Và rồi có thể, chả ai quan tâm đến chuyện có làm lễ kỷ niệm hay không. Họa hoằn là các quan chức “trên về, dưới lên” tìm cớ tìm lý do gặp mặt và “hưởng lộc”.

Điều mà làm cho nhiều người, (không muốn nhắc là số đông) thắc mắc. Tại sao, một quyết định mang tính lịch sử cao cho một sự kiện lại bị tùy tiện thay đổi và “tính mờ ám” cao đến thế? Đừng đổ lỗi cho cái gọi là tính văn bản giấy tờ. Và nếu có một xác xuất nhỏ bé nào đó về lỗi đánh máy thì hãy quang minh chính đại, công khai sửa, công khai đưa ra văn bản quyết định của Quốc hội về ngày Tái lập tỉnh. Hà cớ gì phải âm thầm sửa đổi dữ kiện lịch sử đăng tải trên Cổng thông tin chính thức của tỉnh nhà???

Lịch sử, tính chính xác( xác thực) và khách quan luôn hàng đầu. Nó chỉ bị “hiểu không đúng” chứ không thể tùy tiện mà sửa. Mà có xa xăm gì cho cam?

Ngày đưa trẻ đến trường và khai giảng năm học mới (gần như) được định trước là 05/09 hàng năm. Nơi nào đó tổ chức sớm hay muộn hơn thì lý do chính đáng là điều kiện bất khả kháng.

Ngày quốc khánh, (hay “tỉnh khánh”) trọng đại đến như nào ngay cả việc tổ chức kỷ niệm cũng không thể thay đổi. Trừ khi, một thể chế nhà nước khác ra đời, hiến pháp mới chấp nhận. Ở đây, ngay trong một giai đoạn lịch sử thôi, vậy mà đã “bất nhất”. Thật là một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu”.

Chưa hết, lấy một ngày kỉ niệm không tuân thủ quyết định, được xem như “sửa sự thật lịch sử”, lại lấy một ngày “hỡi ôi” như thế.

Không có thắc mắc mới là lạ!

Tôi nghĩ, hành vi sửa đổi lịch sử này không chỉ là điều băn khoăn trăn trở nữa, mà còn là sự chịu đựng một thách thức không nhỏ với những người có ý thức về lịch sử, với dân tộc, với tổ quốc!

Lịch sử của một dân tộc, được viết lên bằng chính ý chí, mồ hôi, xương máu của cả dân tộc và các cá nhân mỗi công dân trong từng thời kỳ.

Một người bạn của tôi đã hỏi:

”Người ta sửa lịch sử ngay trước mắt bạn, chính là tuyên bố với kẻ thù rằng đất nước bạn đã đầu hàng. Bạn chỉ biết than thở, chửi rủa trên mạng. Vậy bạn là ai?" (Aduku Aka)

Câu hỏi này, tôi nghĩ, nó cần được trả lời bởi tất cả chúng ta.

10/10/2011 

Mẹ Nấm 
Nguồn : Facebook Mẹ Nấm

Nhân sự kiện trang web tỉnh Lào Cai âm thầm sửa ngày tái lập tỉnh từ 10/10 sang 1/10 (tức ngày quốc khánh Trung Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét