Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Đạo đức đảng ta


Đạo đức đảng ta

DLB - Phải chờ đến Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng MỖ và XẺ mới ra được cái NGUYÊN NHÂN suy thoái đạo đức của cán bộ đảng ta. Má ơi!. Hỏi bác Ba bán nước mía đầu đường bác sẽ nói cho nghe rạch ròi. Bác Ba cũng sẽ chỉ luôn cách làm cái rụp, khỏi phải hâm tới hâm lui những màn xưa như thế kỷ kiểu đề xuất giải pháp phòng chống, quy chế cụ thể,  rà soát toàn bộ.... Mà này: những chiến dịch học tập sống chiến đấu theo gương Bác tốn bao nhiêu tiền của nhân dân cho các "cấp ủy chưa gương mẫu, một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức lối sống" không nhằm nhò gì sao!?  

Một bộ phận cán bộ đang suy thoái về đạo đức

Đoàn Loan (vnexpress) Mổ xẻ nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng của Hà Nội chưa hiệu quả, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố cho rằng một số cấp ủy chưa gương mẫu, một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức lối sống.

Sáng 4/10, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã mổ xẻ nhiều nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. 

Theo Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm, chưa gương mẫu, thiếu quyết liệt trong đấu tranh với vấn nạn này. Một bộ phận cán bộ, Đảng viên, có quyền đang suy thoái về phẩm chất, đạo đức lối sống, chưa được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh. 

Ngoài ra, cơ chế chính sách còn nhiều sơ hở, bất hợp lý và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đã tạo cơ hội cho những cán bộ, đảng viên thoái hóa lợi dụng để tham ô, tạo ra những đặc quyền đặc lợi. Tiêu cực cũng được bắt nguồn từ cơ chế xin cho, thiếu công khai, minh bạch. 

Ông Đào Xuân Mùi, Bí thư Đảng bộ khối các cơ quan thành phố, nhận xét nếu cơ chế, chính sách sát với thực tế thì sẽ không gây ra lãng phí, như lĩnh vực đất đai. Đây là nguồn lực quan trọng song các dự án không được công khai. Theo Luật phòng chống tham nhũng phải công khai quy hoạch, song trên thực tế không có nhiều quy hoạch được giới thiệu. 

Đồng quan điểm, ông Khuất Văn Thành, Bí thư huyện Hoài Đức, dẫn chứng ở Hoài Đức, có dự án quy hoạch trên đất nông nghiệp song 8 năm chưa thực hiện, trong khi người dân mất đất canh tác. "Dự án càng chậm thì càng lãng phí. Chúng ta cần cải cách để giảm thủ tục hành chính, nhất là xây dựng cơ bản. Nếu đẩy nhanh được thủ tục hành chính thì các dự án sẽ được đẩy nhanh", ông Thành khẳng định. 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn tham nhũng, lãng phí. Nhiều công trình vi phạm chỉ tiêu xây dựng, nhà thầu rút ruột công trình, không đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phó thác cho nhà thầu, không giám sát chất lượng, khiến có hạng mục hạch toán vượt kế hoạch. 
Quy hoạch đất đai, các dự án đầu tư xây dựng cần công khai minh bạch. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Để đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Hà Nội Đào Văn Bình cho rằng, ngoài Luật phòng chống tham nhũng, thành phố cần có quy chế cụ thể, các đề án kèm theo, như công khai quy chế bổ nhiệm, thi tuyển cán bộ để chống chạy chức chạy quyền. Đặc biệt, quy chế đầu tư xây dựng cơ bản phải công khai để cán bộ các sở ngành không thể nhũng nhiễu dân. 

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng chia sẻ vấn đề ông tâm huyết lâu nay là công khai tài sản. Việc này đã được thực hiện song không hiệu quả. "Do công khai tài sản chưa thực chất nên thất thu thuế rất lớn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở các nước, có tiền không chính đáng thì không tiêu được. Ở nước ta, nhiều người chuyển tiền cho con, để con đứng tên nên không kiểm soát được", ông Sáng nhận xét. 

Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu bày tỏ, lãng phí đã ăn sâu vào tiềm thức từ trẻ con người lớn, đến các doanh nghiệp. Ví dụ các gia đình không biết tiết kiệm điện, doanh nghiệp không tiết kiệm nguyên liệu sản xuất. "Chúng ta phải đặt vấn đề cụ thể như các cơ quan phải có biển cảnh báo tiết kiệm điện. Nên đăng báo các đơn vị dùng quá tiêu chuẩn", ông Sửa bày tỏ. 

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng của Hà Nội chưa hiệu quả. Việc thanh kiểm tra còn ít, lực lượng này chỉ thanh tra định kỳ, chỉ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Khi xảy ra vụ việc chưa xử lý kiên quyết, kịp thời. 

Ông Thảo cho biết, thành phố sẽ bổ sung cơ chế chính sách cho các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư xây dựng, thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ. Ngoài ra, sẽ cải cách tiền lương, có chế tài khuyến khích bảo vệ người tố cáo. Đây cũng là kiến nghị của thành phố đối với trung ương để có cơ chế khen thưởng tố cáo đúng, xử lý cố tình tố cáo sai. 

Thành phố sẽ rà soát toàn bộ các dự án BT, sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy và quản lý chặt chẽ, phòng chống tham nhũng thất thoát. Các quyết định về quản lý đầu tư xây dựng sẽ tiếp tục được xem xét, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, gắn với chống tham nhũng. 

Đoàn Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét