Địch & nhân tài
Sỹ Nhàn (danlambao) - Đọc báo lề phải, thấy đang ồn ào về chuyện trọng dụng nhân tài.
Qua báo lề trái, rất nhiều bài viết tâm huyết và đầy sức thuyết phục, sao lại chỉ có bên báo lề trái- được cho là của Địch?
Các bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo về các giải thưởng Văn Học rất có ích cho Văn Hóa nước nhà. Rõ ràng, đây là tâm huyết của tác giả nhằm làm rõ những việc cần phải minh bạch, sao báo lề phải lại né! Hèn chi, những việc lem nhem cứ mãi tồn tại, những kẻ bất tài, thiếu đức cứ mãi rộng đường thăng tiến! Và hắn chợt nhớ đến những người phê bình tập thơ Việt Bắc của đại quan Tố Hữu!
Những kiến nghị của GS- TS Đào Công Tiến không lẽ do các thế lực thù địch kích động! Có thể là muộn màng, nhưng những lời tâm huyết của một trí thức với 50 tuổi đảng làm hắn xúc động, và hắn lại nhớ đến TS Nguyễn Mạnh Tường!
Với bài viết “Đất nước đang đứng trước bước ngoặt mới bất khả kháng như một định mệnh’’ tác giả Nguyễn Trung thật sự cởi mở tấm lòng- một tấm lòng yêu nước thiết tha. Nhưng, hắn lại nhớ đến Hoàng Minh Chính…
Đúng là “hào kiệt thời nào cũng có,’’ nhưng định mệnh nào đã đặt họ sang lề trái? Còn lề phải, rất nhiều bài viết của các tiến sĩ nặng mùi “bề tôi’’- một biểu hiện tối kỵ của trí thức, vì không thể có sáng tạo trong môi trường không tự do! Chưa nói đến thể chế, ngay sự tự trói buộc đã thể hiện rất rõ trong cuộc sống của giới tự xưng là trí thức Việt Nam.
Thỉnh thoảng, hắn được kà kê với các vị tiến sĩ. Qua chuyện trò, ai cũng nói rất rõ về những sai lầm từ gốc của đất nước, nhưng ai cũng khuyên hắn: Đừng viết lách lung tung, cứ lặng lẽ mà lo cho vợ con! Vậy là họ yên phận với vị trí có sẵn cỏ non, gần suối nước, còn là bê hay cừu thì mặc!
Còn những kẻ cầm quyền, họ dựa vào đâu mà phân biệt phải- trái, địch- ta, và họ cần nhân tài hay đầy tớ? Không lẽ họ không đủ tầm để phân biệt, hay quyền lực có sức mạnh tha hóa đến vậy? Mà không chỉ vì sự quyến rũ của quyền lực, vì biết bao vị về hưu vẫn im thin thít, hoặc hé lời rồi vội nín thinh, do còn lo quyền lợi cho con cháu…
Vậy thì dân ta còn hy vọng vào đâu?
Hãy tin ở chính mình. Hãy dũng cảm nói lên tiếng nói của mình. Hãy tuyên xưng những giá trị đích thực của nhân loại: Nhân Quyền, Tự Do, Dân Chủ…
Vận mệnh đất nước phụ thuộc vào nhân dân. Sự sụp đổ của Liên Xô không phải bởi Góc Ba Chốp hay En Xin, mà bởi chính sự nhận thức của nhân dân Liên Xô về Nhân Phẩm, Nhân Quyền. Khi người dân nhận ra sự nhục nhã của thân phận bầy cừu, sự tha hóa và tụt hậu của đất nước, thì biến động tất sẽ đến. Ai có thể thờ ơ trước sự ghê tởm của quần chúng? Chắc chắn chỉ là thiểu số- những kẻ không còn tính người, và đa số sẽ ủng hộ công cuộc cải cách.
Sỹ Nhàn
http://danlambaovn.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét