Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Đời tù Việt Nam trước mắt thế giới

Đời tù Việt Nam trước mắt thế giới



Trần Khải Thanh Thủy - Kính thưa ban tổ chức! Thưa các nhà vận động nhân quyền!
Trước tiên cho phép tôi được thay mặt cho những tiếng nói lương tâm đang bị bóp nghẹt ở Việt Nam và thay mặt cho đảng Việt Tân để cám ơn Ban tổ chức đã tạo cho tôi cơ hội quý báu này, cho phép tôi được thuyết trình về tình hình nhân quyền Việt Nam cũng như những năm tháng đắng cay mà tôi đã trải qua trong nhà tù cộng sản Việt Nam.
Để có được buổi thuyết trình này, bản thân tôi đã phải đi từ nhà tù lớn của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua bốn cửa nhà tù nhỏ và trại tạm giam, trong đó có hai lần bị biệt giam (tổng cộng hơn 10 tháng) hai lần bị giam chung cùng các tù thường phạm, từ tàng trữ hoặc buôn bán ma túy, giết người có tổ chức, trộm cướp, hiếp dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, đưa người vượt biên trái pháp luật, tiêu thụ tiền giả, nghiện hút, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc “lợi dụng sự tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của công dân” v.v (tổng cộng 20 tháng).
Sinh năm 1960, bản thân tôi từng là giáo viên trung học phổ thông 11 năm, làm phóng viên báo đảng 7 năm, thành viên của hội văn học nghệ thuật Hà Nội mười năm. Trong suốt 50 năm sống và làm việc tại Việt Nam, tôi không hề tham gia bất cứ trò chơi mất phẩm giá nào. Chỉ vì không chịu viết trong khuôn phép mà đảng cộng sản Việt Nam quy định, lại buông thả theo những cảm xúc tự nhiên, bị mê hoặc bởi những khái niêm đẹp đẽ về tự do, dân chủ, nhân quyền cho mình, cho dân oan Việt Nam nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung, mà “giấc mơ của tôi” không những không thành hiện thực, còn trở thành nạn nhân oan uổng của chế độ độc tài cộng sản thối nát, bất công. Hàng chục lần bị bắt giữ ngang đường với những lý do dựng ngược: Buôn ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, có hành vi giết người, phản động v.v… những lý do mà một chính thể đàng hoàng không thể nào áp dụng. Sau đó là hàng chục lần bị khám nhà, thu giữ mọi phương tiện làm việc, từ máy computer, điện thoại di động, máy ảnh, đĩa CD, ổ USB, tài liệu, sách vở, bản thảo v.v. Cuối cùng là bắt nóng hai lần vào tháng 4-2007 và tháng 10/2009, với những tội danh vu khống: “Gây rối trật tự công cộng”(lần 1) và “Cố ý gây thương tích” (lần 2).
30 tháng tù oan nghiệt, bị bạo hành cả về thể xác và tinh thần, tôi thực sự chết đi sống lại nhiều lần(vì bệnh tiểu đường mà bị cắt thuốc vô cớ hai tháng), khiến tôi liên tiếp lên cơn vật, mặt tím tái, mồ hôi túa ra lạnh toát, run từ trong gan ruột run ra, tay chân tê cứng, cổ họng khô ráp, môi se, cứng miệng, đờ hàm,nói nhảm, tiểu tiện liên tục…8 lần đưa đi cấp cứu là 8 lần bị vứt lăn lóc ngoài đồng bành, không hề được chữa trị về mặt y tế, không được cung cấp thuốc men, trừ hai viên thảo dược loại nhẹ, được coi là “an thần” để ngủ…Kết quả não tôi bị tiểu đường ăn rỗng, gây đau đầu, mất ngủ thường xuyên, khiến cơ thể mệt mỏi, xanh xao, suy sụp và rời rã, tâm thần rối ren mờ mịt, ngày một gày mòn, héo hắt… Hai lần tự tử mà không chết (lần đầu tại B14) uống 34 viên thuốc ngủ, bị vật liền 3 ngày, nằm bằn bặt thiêm thiếp, có lúc sai lạc cả ý thức… Lần 2 tại Hỏa Lò, đầu đau như búa bổ, mất ngủ triền miên, mà không được dùng thuốc do gia đình gửi vào, tôi đã mất khả năng tự điều chỉnh mình, thay vào đó là cơn cuồng nộ điều khiển, cơn đau đớn kích động ngút trời…tôi đâm đầu vào bể nước, hy vọng dùng cái chết đột ngột để xóa nhòa mọi nỗi đau cũng là cắt đứt mọi sự ràng buộc gian díu với đời.
Hai lần tù đày, 5 lần bị đánh đập. Lần do công an Lê Phương và điều tra viên Nguyễn Hùng Tuấn đánh, lần do công an phường Trung Phụng sai côn đồ đến tận nhà hành hung (hiện còn để lại sẹo trên đầu). Hai lần bị cán bộ trại B14 và trại giam số 5 mượn tay đầu gấu đánh thẳng vào mặt, vào ngực cùng chỗ kín..Tất cả những tai họa này gây chấn động sâu xa cả về mặt thể chất lẫn tâm thần. Cũng như trước đó, cả chục năm trời viết bài, tham gia đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, dù trong nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa hay nhà tù nhỏ, cuộc sống của tôi luôn bị đe dọa. Bạo lực từ phía công an, điều tra viên và bạo lực từ phía bạn tù…Cho đến tận lúc này, dù đã được các tổ chức yêu nước, đảng Việt Tân và nước Mỹ cứu ra khỏi tù, định cư trên đất Mỹ, được điều trị thuốc men đầy đủ, tôi vẫn chưa ra khỏi cơn khủng hoảng, cũng như cưỡng lại đà suy vong của mình để khôi phục lại ý chí và tâm linh khô héo. Dù tập thể dục, điều trị thuốc men và ăn uống hàng ngày, sau 3 tháng tôi vẫn trong tình trạng méo mó cả về tâm thần và thể chất, không sao lập lại thế cân bằng, tròn đầy và hoàn thiện như cũ.
Ngoài việc bị bạo hành về tinh thần và thể xác, tôi còn bị cấm viết, bị cô lập với tất cả tù chính trị cũng như tù thường phạm khác, bị cán bộ trại tịch thu sách vở, bút viết, thư từ, bản thảo (tổng cộng 5 lần, thu 21 bút bi, 6 tập truyện ngắn do gia đình gửi vào, 5 tập bản thảo, 3 quyển sổ ghi chép trong tù gồm hàng chục bài báo, bút ký, phóng sự và 225 bài thơ. Nhà tù – nơi tích tụ những điều bất như ý, những rủi ro, những bi kịch không cách giải thoát, những tủi hổ đớn đau, những hẩm hiu của số kiếp.Từ một người nhân hậu có nhân cách, với hơn 20 đầu sách in trong và ngoài nước, tôi đã bị bắt rồi bị đánh, bị đối xử tàn tệ bất công trong tù, rồi triền miên ốm đau trong cảnh đói ăn, thiếu thuốc… Đã thế thư viết về nhà cho con gái, cho chồng và mẹ đẻ lại còn bị kiểm duyệt, mất trắng. Kẻ này đổ lỗi cho người kia, không có lời giải thích thỏa đáng… Nếu không được cứu thoát ra ngoài kịp thời, hẳn tôi đã mắc bệnh tâm thần, khi ở thể trầm uất, lúc ở thể hoang tưởng… nhiều hôm ôm đầu trong xó sàn xi măng lạnh lẽo,không nói một câu, hờ hững với cả người bên cạnh, lúc mò ra gốc cau luyên thuyên đủ mọi chuyện trên đời.
Ngoài ra tôi còn phải chứng kiến nhiều cảnh vi phạm nhân quyền trầm trọng trong hai lần tù như:
- Bắt người tù phải gọi cán bộ quản giáo là bà xưng cháu, dù cháu ngoài 70 tuổi và bà vẻn vẹn 20 (đang thực tập).
- Bắt tù nhân đóng dấu phạm nhân trên chính bộ quần áo mà tù thường mặc, kể cả áo kẻ sọc do trại phát theo quy định của cục v26(quản lý trại giam) cũng như quần áo gia đình gửi vào.
- Cưỡng bức tù nhân đi lao động cải tạo cả thứ 7, chủ Nhật với mức khoán cao, vượt quá sức chịu đựng của người tù. Cụ thể đội làm vàng bạc là 350 tờ một ngày, một người. Đội thêu là 22 ô một ngày, một người. Đội may là 250 bộ quần áo một ngày (50 người). Tất cả đều phải làm từ 9 tiếng đến 10 tiếng. (Từ 6 giờ sáng đến 5 giờ 30 phút chiều, trưa nghỉ tại xưởng 15 phút). Trong khi điều 15a của nhà nước Việt Nam quy định rõ ràng là: “Cấm điều động phạm nhân lao động vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Nếu vì lý do nào đó cần điều động gấp thì phải bố trí nghỉ bù hợp lý”. Nhưng lợi dụng số đông phạm nhân không biết nên ban giám thị trại cố tình điều động, kể cả ngày mất điện không vận hành dây chuyền may được cũng phải chuyển sang làm bạc. Nếu ai không làm được phải bỏ tiền túi ra đóng khoán cho đủ.
- Chỗ ăn chỗ ở chật chội mất vệ sinh, một phòng 40 m2 nhốt từ 60 đến 80 người, hệt như trại tập trung của Đức quốc xã hoặc Sittalin (theo quy định của cục V26 là 60 cm một người), nên phải nằm tráo đầu đuôi, hoặc nằm nghiêng theo kiểu úp thìa. Người nọ thở ra, người kia hít vào, toàn hít thở ôxy cặn của nhau. Chưa kể lỗ rò rỉ nơi “bể phốt” liên tục thoát ra, khiến cả buồng tù ngập chìm trong ô uế. Mỗi buồng chỉ có một quạt trần, ban ngày được bật hai tiếng vào buổi trưa từ 11 giờ đến một giờ. Ban đêm không được phép mắc màn, muỗi như trấu.
Tất cả các buồng trong trại đều xây hai tầng nên chỉ mát phần rãnh, phía trên sàn bị tầng trên che khuất vô cùng nóng, người tù phải nằm trực tiếp xuống sàn xi măng để giảm bớt sức nóng. Tuy thê, sự ngột ngạt, hầm hập do hơi người trong cảnh chật chội chung đụng tỏa ra vẫn như một cái lò hấp thịt người khổng lồ.
Trung bình một ngày, người tù bị điểm mặt và khám xét nhiều lần. Sáng 5 giờ 15 ra khỏi buồng, điểm danh. Sau khi vệ sinh thân thể, ăn sáng xong (mỗi người một vốc cơm không) 6 giờ kém 15 ra sân nghe quản giáo tổng xỉ vả. 6giờ 30 phút xuất trại, khám lần một, trưa 11 giờ từ xưởng về khám lần hai. Buổi chiều 1 giờ 15 phút ra phơi nắng, tiếp tục nghe cán bộ trại tổng xỉ vả lần hai. 2 giờ xuất trại khám lần 3, chiều 5 giờ 30 về khám lần 4. Sau một tiếng tắm giặt, ăn uống, lại điểm danh để nhốt buồng.Cả 70 con người chen chúc ồn ào như chợ vỡ, đến 11 giờ tắt ti vi, đóng cầu dao miệng để đi ngủ. Sáng hôm sau, lặp lại điệp khúc cũ: 5giờ 15 dậy xếp hàng rồng rắn lên mây chờ đến lượt mình “xổ ruột”, thải chất cặn bã ra ngoài. Cả buồng 70 người phải chịu nền văn minh do đảng sáng lập, do trại dập khuôn, là nền văn minh cùng chung hố xí (hai ngăn). Những bộ mặt tái dại ôm quần, ôm bụng chờ đến lượt mình. Người trong chưa xong, người ngoài đã giục, cáu kỉnh, chê trách, lên án, kết tội chửi mắng nhau, như thể thế giới nhà tù được tổ chức trong một kết cấu chặt chẽ đầy ô trọc, bẩn thỉu, thiếu văn hóa.
Chiều muộn, sau 9 tiếng đồng hồ hành xác nơi phân xưởng, ruộng đồng, hàng nghìn người lại tồng ngồng chen chúc bên nhau nơi bờ giếng hun hút, múc nước tắm… Những bộ ngực đen đủi, lép kẹp, chảy dài thõng thượt như những túi đựng bùn nhão nhoẹt phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, cũng là phơi ra trước mắt bạn tù. Tất cả như một cái trại nuôi súc vật khổng lồ, ồn ào, chen lấn, mắng chửi nhau trong một khoảng thời gian và không gian vô cùng chật chội, eo hẹp, để còn kịp giờ điểm buồng, nhốt phạm… Rồi lại ồn lên như một cái chợ vỡ cho đến 11 giờ đêm mới thôi. Nếu coi tiếng nói là hơi thở của tâm hồn thì tâm hồn của hàng vạn người tù thường phạm trong số 900 nhà tù lớn nhỏ của Việt Nam thực sự bẩn tưởi, hôi hám, ươn, tanh.
Một đất nước thực sự mất nhân quyền, không hề được tự do, cũng như vắng bóng nền dân chủ cho nên tỷ lệ nhà tù mới được coi là nhất thế giới. Cả nước có 376 trường Đại học, cao đẳng và dạy nghề các lọai thì có tới 900 nhà tù và trại tạm giam lớn nhỏ. Trong khi ở Na Uy cứ 100.000 người dân mới có 0,6 người tù, thì bi kịch lớn nhất ở Việt Nam là “mỗi gia đình chỉ được phép sinh từ một đến hai con”, ngược lại trong thời điểm hiện tại, khi đạo đức bị thả nổi, bạo hành, quyền lực, côn đồ lên ngôi, mỗi gia đình phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội từ một đến hai đứa con… hư hỏng (!) Tỷ lệ tù nhân lớn chưa từng thấy, hàng triệu người trên tổng số 900 nhà tù và trại tạm giam các loại.
Có thể nói chưa bao giờ tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam lại nghiêm trọng như hiện nay, hàng trăm người bị bắt chỉ vì bày tỏ quan điểm ôn hòa của mình trong việc đòi dân chủ hóa đất nước, đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ điều 4 hiến pháp, đòi toàn vẹn lãnh thổ, phản đối công hàm bán nước của thủ tướng Phạm văn Đồng, đòi lại đất đai của ông bà cha mẹ tổ tiên để lại… Dù dân oan hay dân chủ, công nhân hay luật sư, sinh viên hay trí thức đều bị nhà cầm quyền Việt Nam thẳng tay trừng trị, thông qua cái gọi là lực lượng công an nhân dân (Thực tế là tay sai, phương tiện đàn áp của đảng). Vì những đồng lương bố thí của bè lũ lãnh đạo mà phần người của họ đã hiến dâng cho đảng độc tài, khốn nạn, chỉ còn lại phần con nhơ nhớp. Nơi sản sinh ra biết bao nhiêu tội ác, sẵn sàng trở thành lang sói, đàn áp, tấn công cắn xé đồng bào mình.
Có thể lấy hàng trăm ví dụ về việc vi phạm nhân quyền, cũng là việc làm độc ác của công an dưới sự chỉ đạo của đảng độc tài.
Trưa 28-2-2011, ông Trịnh Xuân Tùng (số nhà 525, phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thuê xe ôm chở đến Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội). trong lúc gọi điện thoại, ông Tùng đã bỏ mũ bảo hiểm ra cho dễ gọi. Từ trong bến xe, trung tá Nguyễn Văn Ninh (công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) lập tức phát hiện ra và kéo theo vài nhân viên tự quản giữ trật tự ở bến xe để phạt. Thoạt đầu ông Tùng ra sức thanh minh về việc làm vô tội của mình và không chịu nộp phạt 200,000 VND như tên Ninh yêu cầu, lập tức tên Ninh giơ dùi cui lên đánh vào cổ ông, còn những tên nhân viên tự quản xông vào đè nghiến ông xuống đất để còng tay ông đưa về đồn, dù ông Tùng ra sức la lối:
“Anh là công an không được làm như thế”. Bỏ qua mọi lời “nhắc nhở” của ông, Tên Ninh càng cậy quyền thế đánh ông, cho đến khi ông gục hẳn xuống mới thôi.

Bị đánh đau, ông Tùng kêu cứu xin đưa đi bệnh viện, nhưng tên Ninh càng lớn tiếng mắng ông là giả vờ để ăn vạ và kiên quyết không cho người nhà đến để đưa ông đi. Khi thấy ông rên rỉ vì đau đớn, có dấu hiệu chấn thương nặng sắp chết mới cho người đưa cáng vào để khiêng ông đi. Sợ ông xuống Diêm Vương sẽ đem theo 200.000 VND tiền nộp phạt, tên Ninh còn cho người khóa tay ông vào cáng cứu thương. Ngày 8/3/2011,ông Tùng tắt thở trong nỗi uất nghẹn của cả nhà, đặc biệt là mẹ già, vợ, và cô con gái Trịnh Kim Tiến. Thế là chỉ vì một cú điện thoại gọi “không đúng lúc” và việc cò kè để hạ mức phạt xuống 150.000 đồng, thay vì 200.000, ông đã bị cái gọi là lực lượng “thức cho dân ngủ, gác cho dân yên” đánh đến chết rồi đưa xuống mồ.
20h ngày 20/3/2011, Thiếu tá công an Bùi Minh Thắng, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông Hậu Giang đón taxi, yêu cầu tài xế Đỗ Quốc Thái chở về Cần Thơ. Đến ngã tư, gặp đèn đỏ, anh Thái dừng lại, lập tức tên Thắng từ băng ghế phía sau chồm lên giằng vô lăng đòi lái. Sợ nguy hiểm cho tính mạng mình, anh Thái kiên quyết không cho, hai bên cãi nhau. Anh Thái bực tức dừng xe lôi tên Thắng xuống và yêu cầu thanh toán tiền xe. Tên Thắng liền rút thắt lưng quần ra nện tơi bời vào đầu, vào mặt anh. Khi lực lượng tuần tra – kiểm soát công an Cần Thơ đưa về chốt giao thông giải quyết, tên Thắng vẫn còn say bí tỉ, chỉ mặt đồng nghiệp quát: “Mày hồi nãy đánh tao, phải quì xuống xin lỗi, nếu không tao bắn”. Sau đó, tiếp tục la hét tưng bừng trong khi công dân Đỗ Quốc Thái phải nhập viện để băng bó vết thương ở đầu, ngực.
Sáng ngày 1/3/2011, anh Nguyễn Văn Hướng (ngư dân, sống tại xã Nghi Quang – Nghi Lộc) đang trên đường đi mua sắm một số dụng cụ đi biển thì bị đội tuần tra công an Nghi Tân đuổi theo vì không đội mũ bảo hiểm. Khi vừa rẽ vào đường làng, lập tức anh Hướng bị hai công an bắt kịp, cầm dùi cui đánh túi bụi vào đầu. Từ đỉnh đầu, máu phụt ra xối xả. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến đông đảo của người dân tại phường Nghi Tân. Ngay lập tức, quần chúng nhân dân đã tri hô và kéo đến bảo vệ nạn nhân. Tại trụ sở CA, cơ quan công an tìm cách chối bỏ trách nhiệm, không chịu lập biên bản vụ việc trước yêu cầu của gia đình nạn nhân. Người dân bất bình kéo đến mỗi lúc một đông, chủ tịch và trưởng công an phải cầu viện thêm lực lượng từ thị xã vào can thiệp, người la, kẻ hét, cãi vã, giằng co khiến mẹ của nạn nhân ngất xỉu ngay giữa trụ sở công an
11 giờ đêm ngày 16/6/2008, tại xóm trọ nghèo của phường Cầu Giấy, anh Nguyễn văn Tuyên bất ngờ bị đau bụng dữ dội, không rõ nguyên nhân. nhà Truyền Đạo Tin Lành Lê Duy Bắc (sinh 1975) vội vàng chở nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu bằng xe máy, không kịp đội mũ bảo hiểm. Khi quay về, thầy bị áp giải về trụ sở công an phường Cầu Diễn để xử lí. Sau khi thẩm vấn, họ tịch thu xe, hẹn sáng mai ra trụ sở để tiếp tục điều tra, giải quyết. Đến hẹn lại lên, thầy Bắc tới và được đối xử như một tội phạm đặc biệt nguy hiểm, bởi vì công an biết rõ từ lâu, thầy là nhà truyền đạo Tin lành, thầy đi đến đâu là ở đó có người tin Chúa. Khi đó, thầy đang chăm sóc, gây dựng bốn hội thánh thuộc Hà Nội, Hà tây, Hòa bình và Phú thọ. Trong khi công an Việt nam được lệnh đánh phá các hội thánh, chính vì thế thầy Bắc luôn nằm trong tầm ngắm của công an. Tại Hòa bình, công an đã trục xuất thầy, hòng phá diệt Tin lành còn trong trứng nước. Sau đó chính quyền Việt Nam tìm đủ mọi cách, nhất là về hộ khẩu để ngược đãi thầy, nhằm phá hỏng chức vụ hầu việc Chúa của thầy, cũng như các giáo sĩ khác…
Vừa thấy thầy đến, trưởng đồn điều động năm công an võ nghệ cao cường, đặc biệt tinh nhuệ lao vào thầy đánh hội đồng. Kẻ bịt mắt, kẻ bóp cổ, kẻ bẻ tay, kẻ túm tóc. Một trận đòn thượng đấm, hạ đá như mưa rào mùa hạ trút xuống thân hình mảnh dẻ của thầy khiến thầy tối tăm mặt mũi. Chưa đủ, trong lúc tay đánh, chân đá, lũ công an phường còn la hét:
- Đánh bỏ mẹ nó đi, mày lại phá trụ sở công an à (!?).
Thân cô thế cô một mình giữa bầy chó sói, thầy chỉ kịp nghe tiếng “ rắc”, rồi nhìn xuống nơi tay và phát hiện ra tay mình đã gẫy.
Sau đó, thủ trưởng cơ quan công an phường Cầu Diễn ra lệnh cho gọi xe tắc xi chở thầy tới bệnh viện 19/8 của ngành công an cấp cứu, rồi xuất chi 500.000 đồng trong ngân sách an ninh quốc gia Việt nam, để em thầy lo chữa chạy cho nạn nhân. Ngày 24/8/2008, bệnh viện công an trục xuất thầy trong tình trạng vết thương đau nhức, cánh tay bị công an phang gẫy vẫn tê cứng không cử động, cầm nắm được. Cuộc sống, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Thiếu tiền trả thuê trọ, tiền ăn, tiền thuốc men, vì thương tật nên không thể làm gì để sống.
Ngày 11 tháng 1 năm 2011, hàng trăm người của 3 xã Lại Xuân, Kỳ Sơn và Liên Khê của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã kéo tới bao vây cơ sở sản xuất đất đèn Cường Thịnh ở xã Lại Xuân để chặn đường không cho xe chở vật liệu ra vào với lý do: “Khi nhà máy sản xuất thử đã có khói độc hại (màu vàng nhạt bốc lên), làm hai phụ nữ trong xã bị choáng phải đi cấp cứu” còn ông Nguyễn Văn Quân (xóm 9, xã Lại Xuân) bị tức ngực, khó thở. Lo ngại khi nhà máy hoạt động sẽ gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực, nên bà con đã dựng lều, giơ cao biểu ngữ: “Vì sức khỏe cộng đồng – Hãy bảo vệ môi trường – Bài trừ đất đèn”. Ngay lập tức chị Ngô Thị Thu bị một công an của huyện Thủy Nguyên bẻ gập tay về phía sau và một công an khác dùng dùi cui đập thẳng vào làm cánh tay bị gãy. Dù Chị Thu đau đớn kêu la: “Thả tôi ra, các anh đánh gãy tay tôi rồi”, nhưng các cán bộ công an không tin, cho rằng chị ăn vạ và tống chị lên thùng xe chở thẳng về công an huyện Thủy Nguyên. Giữa trời giá rét, trong tình trạng cánh tay bị gãy, chị Thu yêu cầu được đi cấp cứu nhưng Ðinh Xuân Khải (phó trưởng công an huyện Thủy Nguyên) nói: “Cứ bình tĩnh, chưa chết được đâu mà sợ.’”
6 giờ chiều, chị Thu mới được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên và hơn một tiếng sau, do tình trạng nguy kịch, chị được chuyển lên bệnh viện Việt Tiệp, thành phố Hải Phòng”.
Hai ngày sau, phóng viên báo “Nông Thôn Ngày Nay” tiếp xúc với ông Khải – thì ông này tìm mọi cách chối tội cho cấp dưới, với lý do “Chưa xác định được nguyên nhân chị Thu bị gãy tay”.
Ngày 8/9/2011, anh Nguyễn Văn Long đến Công an huyện Thủy Nguyên Hải phòng làm thủ tục bảo lãnh cho bạn. Tại phòng tạm giữ, anh gặp ông Cường và ông Phạm Văn Hải (thượng uý, Đội phó Đội cảnh sát hình sự). Thấy anh vào, Ông Cường đùa: “Thằng này có cái râu cong dài thế này là đầu gấu lắm đây”. Phạm Văn Hải bảo: “Để tao nhổ cái nào”. Long không đồng ý, lấy tay che lại, nên bị Hải đạp vào bụng. Long bực tức đấm lại làm Hải rơi kính. 4 công an mặc thường phục gồm Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Tiến Hưng, Vũ Tiến Duy, Nguyễn Văn Thắng cùng xông vào đánh Long ngay tại phòng làm việc, sau đó lôi sang phòng khác tiếp tục “ra tay”. Gần một tiếng sau, Long mới được đưa ra ngoài, sau khi bị đánh tơi tả. Ngay sau đó Long phải nhập viện trong tình trạng thương tích nặng nề.
Trên đây chỉ là một trong hàng trăm ví dụ công an đánh chết người do dư luận bất bình đưa tin. Tìm đọc báo trong nước cũng nhan nhản cảnh công an giở thói côn đồ bức hại người dân đến chết. Xin được dẫn chứng: Ngày 22/12/2009 Công an xã Bom Bo (huyên Bù Đăng, Bình Phước) bắt anh Nguyễn Văn Long (40 tuổi) về trụ sở Công an xã để “điều tra việc bị tố cáo có hành vi hiếp dâm trẻ em”. Sau một đêm bị đưa về trụ sở công an xã, anh Long đã chết.
Kế tiếp, ngày 15/3/2010, cũng tờ VnExpress đưa tin: anh Nguyễn Mạnh Hùng, 33 tuổi, tử vong tại trụ sở Công an huyện Hà Đông (Hà Nội) trong tình trạng “trở thành cái xác khô, 10 đầu ngón tay bị sưng, tím đen; hai chân thâm tím…” sau 11 ngày bị giam giữ. 5 tháng qua, ông Nguyễn Xuân Bình- người cha đau khổ của nạn nhân đã gởi đơn kêu oan nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về cái chết đau đớn của con mình.
Liền theo đó, ngày 17/3/2010 báo Lao Động đưa tin anh Nguyễn Quốc Bảo, 33 tuổi, đã chết trong đồn Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chỉ sau một ngày bị bắt giữ. Sau khi báo Người Việt đăng bài viết phân tích rõ các dấu vết bị nhục hình dẫn đến tử vong, hơn một tháng sau báo Lao Động mới thông tin “Cơ quan Điều tra hình sự (Viện kiểm Sát nhân dân Tối cao) cho rằng, vụ việc có dấu hiệu của tội dùng nhục hình và yêu cầu phòng PC 14 (thuộc công an thành phố Hà Nội) chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Viện kiểm Sát nhân dân để thụ lý giải quyết”.
Anh Nguyễn Quốc Bảo chết mồ chưa kịp xanh cỏ thì ngày 11/5/2010 báo Thanh Niên tiếp tục có bài tường thuật về việc anh Võ Văn Khánh sinh năm 1981, trú xã Ðại An, huyện Ðại Lộc, thành phố Ðà Nẵng đã chết tại Công an huyện Điện Bàn khi anh Khánh đến “làm việc”.
Trước đó vài ngày, anh Khánh đi mô tô từ Ðại Lộc xuống Ðiện Bàn thì bị cảnh sát giao thông giữ xe do không mang theo giấy tờ. Sau đó, Khánh mang giấy tờ xe xuống Công an huyện thì mới biết chiếc xe này là xe trộm cắp và có người khai báo bị mất trộm. Trong quá trình Công an huyện Điện Bàn tạm giữ người, gia đình nạn nhân xin thăm, gặp nhưng Công an huyện từ chối. Sau khi anh Khánh chết, gia đình được thông báo nguyên nhân chết là do Khánh… treo cổ tự tử bằng dây buộc giày.
Ông Võ Văn Thành (cha ruột nạn nhân) đặt câu hỏi: “Tại sao trên cơ thể con trai tôi lại có những dấu vết bầm tím bị trầy xước, xương sườn bị gãy nhiều, trên người có in đậm dấu giày, giống như người ta dùng giày đá vào người con tôi vậy? Tại sao công an lại trực tiếp đến nhà mời tôi xuống giải quyết xe, vừa đến nơi lại bảo con trai tôi chết rồi? Họ còn kết luận con trai tôi dùng dây giày để treo cổ tự tử có phi lý quá không? Dây giày rất nhỏ, rất ngắn lại rất dễ đứt sao lại treo một thân hình nặng trên 50 kg như con tôi được? Kết luận như vậy là phản khoa học.”
Báo Lao Động ngày 12/5/2010 tiếp tục thông tin: “anh Phạm Tuấn Hưng (SN 1973, ngụ thôn 3, xã Bình Trung, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) đi làm công cho gia đình ông Hoàng Văn Thông (ngụ thôn 5, xã Bình Trung). Ngày hôm đó, ông Thông mất trộm điện thoại, có nghi cho anh Hưng. Chiều cùng ngày, hai công an xã tới nhà chở anh Hưng lên ủy ban nhân dân xã để điều tra làm rõ về việc ông Thông bị mất điện thoại. 24h giờ đêm, anh Hưng được thả về nhà trong tình trạng hoảng loạn, mê sảng, trên người bầm dập, hai cổ tay tứa máu. 5 ngày sau, máu từ mũi và miệng anh Hưng vẫn chảy nên gia đình phải đưa đi chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa”.
Cũng theo số báo Lao Động cùng ngày nêu trên, “Sáng 11.5, nhiều người dân hẻm Xí nghiệp Liên Châu đã chứng kiến cảnh chị Nguyễn Thị Thúy (Sinh 1965, ngụ xã Bình Hòa, huyện Thuận An) đã bị một nhóm dân phòng xã Bình Hòa đánh bất tỉnh”. “Theo thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế đập một bức tường rào nhà chị Nguyễn Thị Vân (chị ruột nạn nhân) đang tranh chấp với nhà bên cạnh. Tuy nhiên do chị Vân vắng nhà nên có nhờ chị Thúy ở gần đó qua xem sự việc. Chị Thúy đề nghị lực lượng cưỡng chế cần đợi chị Vân về thì xảy ra sự việc nêu trên”.
Độc ác hơn, “sau khi nạn nhân bất tỉnh, nhóm dân phòng này đem chị Thúy về tại gốc cây bàng cạnh trụ sở công An xã Bình Hòa” bỏ mặc chị Thúy nằm đó mà không hề có động thái cấp cứu nào. “Hơn 30 phút sau khi bị đánh, nạn nhân vẫn nằm bất động, một số bà con đã đưa chị Thúy lên bệnh viện Đa khoa Thuận An cấp cứu. Lúc 11 giờ cùng ngày, bác sĩ cho biết, chị Thúy vẫn hôn mê sâu nên bệnh viện đã chuyển nạn nhân lên bệnh viện Đa khoa của tỉnh”.
21h ngày 7/6/2010, anh Nguyễn Phú Trung vào nhà Nguyễn Viết Thư (xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ). Nghi là kẻ trộm, Thư đã túm cổ áo, đánh Trung và báo Công an xã. Vũ Đình Nghĩa (30 tuổi), là Phó Công an xã Thuỷ Xuân Tiên và Lê Văn Hoan (33 tuổi), là công an viên cùng Nguyễn Quang Sinh (36 tuổi) đã dùng dùi cui điện, khoá số 8, gậy gỗ đánh anh Trung, làm anh Trung gãy 5 xương sườn. Sau khi hành hung, các đối tượng trên đã đưa anh Trung lên xe 3 bánh tự chế chở ra vứt ven đường quốc lộ 6A thuộc thôn Tiến An, xã Thuỷ Xuân Tiên rồi bỏ đi.”
Qua vài ví dụ nhỏ nêu trên cũng đủ thấy rằng cơ quan Công an không phải là nơi thực thi pháp luật, gìn giữ công bằng, mà là nơi để thể hiện bạo lực theo kiểu côn đồ với người dân thấp cổ bé miệng. Nguyên nhân dẫn đến các sự việc đau lòng này là trong thời gian qua, những vụ việc tương tự không được xử lý nghiêm minh đúng pháp luật, mà có sự bao che, khỏa lấp tội ác từ trên xuống dưới, tạo tiền đề cho những người làm việc trong bộ máy nhà nước. Bản thân họ tự cho mình có quyền sinh sát vượt cả lên trên luật pháp cả mạng sống quý báu của người dân? Tiếc thay những trường hợp này không hề có dấu hiệu dừng lại mà ngược lại ngày càng gia tăng. Cái gọi là “người thi hành công vụ” luôn lạm dụng quyền lực nhà nước để dùng vũ lực trái pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân khiến người dân không tin vào khả năng chính quyền có thể bảo vệ sự an toàn cho mình trước bóng tối của các thế lực xấu xa phủ trùm lên đời sống hiện tại nữa. Thậm chí chuyện “xé rào” của một lực lượng chuyên giữ rào không còn là một điều kỳ lạ, lẻ tẻ nữa mà đã quá nhiều, tần suất xuất hiện ngày càng “dày” và “đặc”. Ngay cả đến những người thờ ơ nhất, vô cảm nhất cũng phải thốt lên rằng: “Loạn thật! Đến lực lượng bảo vệ luật pháp mà còn thế, thì xã hội sẽ ra sao? Thời đại nào, dù Tư bản, hay Xã hội chủ nghĩa, Phong kiến, đều phải có công an, bởi không có công an thì xã hội sẽ loạn, song quan trọng phải là công an tốt, còn nếu chỉ là công an xấu thì xã hội càng loạn hơn, đằng nào cũng loạn thì thà đừng có công an còn hơn.
Có lẽ chưa bao giờ lực lượng công an đông như bây giờ (1,2 triệu), cũng chưa bao giờ công an nhiều “tướng” đến vậy (300 tướng), sắp tới thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ký lệnh phong thêm 70 tướng nữa; vậy mà sự thực thì chưa bao giờ xã hội Việt Nam bất ổn như bây giờ: Nạn trộm cướp, giết người, nghiện hút, buôn bán ma túy, mãi lộ, cướp cạn, buôn lậu, tham nhũng, trốn thuế v.v… hoành hành khắp nơi, người dân oán thán, nhưng công an thì bất lực hoặc vô cảm. Thậm chí chính công an cũng trở thành quân kẻ cướp, giết người khiến nhân dân ghê sợ, xa lánh.
Sở dĩ có tình trạng công an lộng quyền đến như thế. Vì lãnh đạo nhà nước Việt Nam, luôn dùng công an để đàn áp dân chúng, dưới dạng “quần chúng tự phát”. Chính vì thế chưa bao giờ số người dân bị công an giết chết nhiều như hiện nay, cũng chưa bao giờ số anh em dân chủ,nhà bất đồng chính kiến hoặc công nhân, nông dân bị bắt bớ, tra tấn, tù đày nhiều như vậy. Có thể kể hàng loạt tên tuổi của anh em chiến sĩ dân chủ hay dân oan, giáo dân bị bắt trong thời gian gần đây như Hồ thị Bích Khương(nghệ An) bị bắt lần thứ 3, ngày 5-1-2011; Nguyễn Hoàng Quốc Hùng; Đỗ Thị Minh Hạnh; Đoàn Huy Chương bị bắt vào tháng 2 năm 2010.Mục sư Dương Kim Khải; Bà Trần Thị Thúy; Ông Nguyễn Thành Tâm; Ông Phạm văn Thông; Ông Nguyễn Chí Thành; Bà Phạm Ngọc Hoa; Ông Cao Văn Tỉnh, vừa là dân oan, vừa là tín đồ Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, tỉnh Bến Tre bị bắt vào tháng 7-2010.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị bắt ngày 5-8-2010, blogger điếu cày Nguyễn Văn Hải (bị bắt lần 2 không rõ lý do vào tháng 10/2008).
Năm sinh viên Công Giáo Vinh gồm Thái Văn Dung, Trần Hữu Ðức Ðậu Văn Dương, Ðặng Xuân Tương, Chu Mạnh Sơn bị bắt lúc 2 giờ sáng ngày 19 tháng 8 năm 2011 v.v.
Bao nhiêu phê phán và đòi hỏi cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền hiện nay tại Việt Nam của hầu hết các quốc gia, song chính quyền Hà Nội luôn coi thường dư luận, chà đạp lên quyền sống của người dân, vẫn tiếp tục kiểm soát Internet, Blogger và không chấp nhận báo chí tư nhân, càng không cho phép các nhóm và cá nhân đẩy mạnh các sinh hoạt nhân quyền, trong đó có quyền phát biểu tự do, quyền sửa đổi những luật lệ cáo buộc các tội trạng đối với những nhà đối kháng ôn hòa, quyền yêu cầu phóng thích toàn bộ những tù nhân lương tâm, bãi bỏ án tử hình v.v…
Các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc muốn thăm Việt Nam cũng bị từ chối. Luận điệu quen thuộc của Cộng sản Việt Nam là không bắt giữ người chỉ trích chính phủ, chỉ bắt giữ những người vi phạm luật pháp. Điều này cho thấy Cộng sản Việt Nam đã gian dối trong bản báo cáo nhân quyền hàng năm và tiếp tục ngoan cố khi bị thế giới lên án. Vừa đánh lừa dư luận trong nước về phản ứng của thế giới trước sự gian trá của chế độ, vừa chỉ đạo ngược lại với với những gì mà họ đã viết trong báo cáo.
Người dân Việt ở trong nước cũng như hải ngoại sẽ phải sát cánh để đấu tranh và giành cho được nhân quyền tự do về cho mình. Tuy nhiên, việc ủng hộ của nhân dân yêu chuộng tự do trên thế giới, là điều hết sức cần thiết. Chúng tôi rất trân trọng những hỗ trợ của thế giới trong những năm qua. Trước tình thế ngày càng cấp bách, chúng tôi kêu gọi Liên Hiệp Quốc tích cực yểm trợ hơn nữa cho các nỗ lực dân chủ hóa ở Việt Nam, đồng thời áp lực nhiều hơn nữa lên nhà nước cộng sản Việt Nam để họ phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân, những quyền đã được qui định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà họ đã cam kết thi hành khi trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Cuối cùng điều tôi mơ ước là một ngày gần nhất, chế độ độc tài cộng sản phải cúi đầu trước dư luận Việt Nam và quốc tế vì tội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam.
New York 22-9-2011
Trần Khải Thanh Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét