Để Trung Quốc vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Việt Nam
Nguyễn Nghĩa 650 - Để Việt Nam lệ thuộc, không gì bằng là làm mọi cách để Việt Nam luôn yếu, luôn cần đến Trung Quốc. Để Việt Nam yếu không gì bằng là chia cắt Việt Nam (Genève 1954). Để Việt Nam yếu không gì bằng là viện trợ và khuyến khích Việt Nam nội chiến lâu dài, tiêu hao sinh lực trong chiến tranh với Hoa Kỳ. Để Việt Nam yếu, không gì bằng là cướp đất, biển đảo của Việt Nam. Để Việt Nam không bứt khỏi lệ thuộc đối với Trung Quốc, phải gây chiến tranh với Việt Nam, khi Việt Nam thân thiết với Liên Xô..
Trong bài viết gần đây:"Cải cách dân chủ làm Việt Nam mạnh lên và Trung Quốc bành trướng yếu đi", tôi đã trình bầy những lý do chứng minh cho tính ưu việt của cải cách dân chủ.
Hôm nay, trong bài viết này, tôi đề nghị một chiến lược phát triển đất nước Việt Nam để Trung Quốc vĩnh viễn từ bỏ mộng bành trướng xuống phía nam, vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Việt Nam.
Chiến lược này phải dựa trên cải cách dân chủ.
Trước hết, ta học Nguyễn Trãi, học ở một con người mà lòng yêu nước tỏa sáng như sao Mai. "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo", Lê Thánh Tông. Học Nguyễn Trãi là học biến lòng yêu nước thành trí tuệ, dùng để suy xét tình dân, thế nước, lực quân địch,... mà định sách lược phục hưng:
"Quên ăn vì giận, sách thao lựơc suy xét đã tinh.
Ngẫm trước, suy sau, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ." Cáo Bình Ngô.
1. Lịch sử Việt Nam.
Việt Nam có khởi đầu đẹp đẽ, cao quí mà dân tộc Việt Nam luôn từ hào về nguồn gốc của mình. Đó là nguồn gốc các dân tộc sinh sống trên dải đất chữ S này sinh ra từ 1 bọc 1 trăm trứng của mối tình tiên nữ Âu Cơ và vua thần Biển Đông Lạc Long Quân.
Đây cũng là khởi đầu tự hào của văn hóa Việt Nam, là khởi đầu tự hào của Chủ Nghĩa Dân Tộc Việt Nam.
Những người con trai của Âu Cơ và Lạc Long Quân mang họ Hùng và là những vị vua đầu tiên của Việt Nam. Đời vua Hùng thứ 13, để giữ nước, Thánh Gióng xuất hiện và đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Thục An Dương Vương để mất nước vì cả tin vào tình hữu nghị hòa hiếu thông gia của giặc phương bắc.
Mất nước, Việt Nam đã liên tục khởi nghĩa để dành lại đất nước. Từ Hai Bà Trưng đến Ngô Quyền là hơn 900 năm bị Trung Quốc đặt làm quận, huyện.
Từ Ngô Quyền đến nay, hơn 12 thế kỷ, nhưng giặc phương bắc đã 9 lần tổ chức các cuộc chiến tranh chống Việt Nam. Lần nào chúng cũng thất bại nhục nhã.
Có thể nói lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến tranh với Trung Quốc.
Khi Việt Nam còn là một quốc gia độc lập, Việt Nam luôn chiến thắng quân xâm lược Trung Quốc, dù chúng điều động một lực lượng áp đảo về quân số, áp đảo về trang bị như thuyền chiến, ngựa, xe,... với tất cả sức mạnh tổng hợp của cách điều cả chính binh đánh vỗ mặt lẫn kỳ binh đánh tập hậu, hay thủy quân tập kích bất ngờ theo thế gọng kìm. Trung Quốc dùng tất cả kinh nghiệm chiến tranh chinh phục, tất cả tư tưởng của nghệ thuật chiến tranh từ Tôn Tử, Tào Tháo... đến Mao Tạch Đông và kỹ thuật chiến tranh Trung Quốc hiện đại nhất. Kể cả trường hợp nhà Hồ, Việt Nam có tạm thua trong 20 năm, nhưng sau đó khởi nghĩa Lam Sơn lại đánh thắng Trung Quốc vẻ vang, oanh liệt.
Có 1 lần, Việt Nam thua mà trở thành hận nghìn năm Bắc thuộc. Nguyên nhân là do lãnh đạo tối cao, nhà vua An Dương Vương quá cả tin vào lòng hòa hiếu, thông gia khi Triệu Đà gả con trai thái tử của họ sang Việt Nam làm rể.
An Dương Vương đã thua, đã mất nước, đã không có đất làm chỗ chôn thân, đã phải trầm mình ở Biển Đông vì mất cảnh giác.
Hôm nay Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quên bài học của An Dương Vương, rước Chủ Nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam, rước chính sách hữu nghị với Trung Quốc 16 chữ và 4 tốt.
Đây là mối họa diệt tộc.
Nhân dân Việt Nam, trí thức Việt Nam phải cảnh giác cao độ với Đảng Cộng Sản Việt Nam, con ngựa thành Troia của Việt Nam.
Bài học rút ra từ lịch sử 4000 năm Viêt Nam là phải giữ vững độc lập và cảnh giác cao độ với những lời đường mật của Trung Quốc.
2. Nguồn gốc sức mạnh của Việt Nam.
Trước khi Trung Quốc đô hộ Việt Nam, thì người Việt Nam đã có một lòng tự hào cao cả về nguồn gốc cao quí của mình. Việt Nam đã có một quốc gia, một tổ chức nhà nước người Việt mà khái niệm biên giới lãnh thổ riêng biệt đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Việt Nam đã có một bản sắc văn hóa đặc sắc riêng biệt mà văn hóa Hán không thể bài trừ được.
Việt Nam quí Mẹ, trọng Cha, khác hẳn Trung Quốc trọng Nam khinh Nữ. Các dân tộc Việt Nam sinh sống hòa bình, cùng nhau khai hoang, trồng trọt hoa mầu, vỡ đất hoang hóa... mà tạo thành tổ quốc chung cho mọi dân tộc. Các dân tộc ở Trung Quốc bị Hán chiếm, bị Hán xâm lược, bị Hán hóa mà trở thành người Trung Quốc.
Mặc dù Mã Viện sau khi đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã tàn sát người Việt đến máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Nhưng chính sách đồng hóa người Việt vào người Hán như giết tráng đinh gốc việt họ Thi, họ Hùng, họ Chử, họ Mai, họ Triệu, họ Trưng..., lấy con gái Việt làm vợ đã không thu được kết quả mà Hán mong muốn.
Người Mẹ Việt đã truyền cho con mình lòng tự hào làm người Việt Nam, con rồng, cháu tiên, qua dòng sữa ngọt bất tận của Mẹ.
Câu ca dao Mẹ Việt ru con thấm đượm lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh vì độc lập Việt Nam đã ngấm vào tâm hồn con trẻ từ thủa lọt lòng, thì làm sao văn hóa Hán có thể đồng hóa chàng trai Việt, cô gái Việt làm người Hán được.
Ngoài yếu tố con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, có một sức mạnh thiên nhiên vô hình mà giặc xâm lược phi nghĩa Trung Quốc không nhìn thấy được, không cảm thấy được. Cả khi đã thua trận rồi, chúng vẫn chưa hiểu được sức mạnh vô hình nào đã giúp dân tộc Việt Nam chống cự thành công các cuộc tấn công của ngoại xâm Trung Quốc. Nhiều khi, sức mạnh xâm lược Trung Quốc đo bằng số lượng quân sĩ, ngựa, thuyền, trang bị vũ khí..., vượt quá sức mạnh quân sự Việt Nam nhiều lần.
Sức mạnh siêu thiên nhiên, vô hình ấy chính là địa lý Việt Nam, là hình khe, thế đất, thế sông, thế biển, là khí hậu Việt Nam...
Ta nói địa lý Việt Nam đã là tử địa của bành trướng Trung Quốc.
3. Nguồn gốc tư tưởng bành trướng của Trung Quốc.
Thời chiến quốc, Tần là quốc gia ở về phía Tây Trung Quốc, xa xôi và lạc hậu so với Tề, Triệu, Lỗ...Tần Hiếu Công đã trọng dụng Thương Ưởng, một đại diện xuất sắc của trường phái Pháp gia. Phái Pháp gia chủ trương xóa bỏ mọi đặc quyền đặc lợi của tầng lớp quí tộc phong kiến, dùng luật hà khắc để cải cách xã hội chống tham nhũng, buộc người dân phải lao động làm ra của cải cho xã hội. Người đứng trên pháp luật là nhà vua.
Nhờ cải cách Thương Ưởng thành công, qua nhiều đời vua Tần, cuối cùng Tần Doanh Chính hùng mạnh nhất Chiến Quốc và thống nhất Trung Quốc. Đây là thứ nhất lần thứ nhất mà thống nhất Trung Quốc do người trung quốc thực hiện.
Tuy vậy, hình hài địa lý to lớn hôm nay của Trung Quốc không hẳn nhờ vào tính bành trướng của người Trung Quốc. Nói đúng hơn thì người Trung Quốc hèn nhát đã hưởng lợi lãnh thổ từ các cuộc chinh phạt của Đế quốc Mông Cổ. Đế Quốc to lớn nhất trong lịch sử loài người, nhờ thiên tài quân sự của các vua chúa Mông Cổ.
Trung Quốc đớn hèn cũng thu được lợi lãnh thổ từ thiên tài quân sự của các vua Mãn Thanh.
Sau khi chiếm Trung Hoa của nhà Minh, các hoàng đế nhà Thanh đã chiếm thêm được Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, một phần Kadacstan, Kyrukistan, Udebekistan ngày nay và cùng với Mông Cổ, Triều Tiên trước đó, sát nhập vào đế chế của mình. Họ chỉ thất bại trước Đại Việt và Miến Điện khi tiến xuống Đông Nam Á vào nửa sau thế kỷ 18.
Như vậy Trung Quốc chịu mất nước, đã là nô lệ của hai tộc nhỏ mạnh mẽ là Mông Cổ, Mãn Thanh. Nhưng ngày nay, Trung Quốc lại được thừa hưởng những quốc gia rộng lớn bị Mông Cổ và Mãn Thanh chinh phục. Việc Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, và Hồ Cẩm Đào hôm nay đang mưu đồ bành trướng ra thế giới có nằm trong nhu cầu nội tại của Trung Quốc hay không, còn chờ tương lai trả lời.
Có lẽ quan trọng hơn việc bành trướng là việc Trung Quốc phải hướng nội giải quyết các mâu thuẫn dân tộc trong nước Trung Quốc ngay nay.
4. Việt Nam chỉ chặn đường bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á?
Do vị trí địa lý đặc biệt của mình, Việt Nam luôn là đối tượng quan trọng mỗi khi vua chúa Trung Quốc muốn bành trướng xuống Đông Nam Á. Đơn giản chỉ là con đường độc đạo xuống Đông Nam Á phải đi qua Việt Nam. Trung quốc Cộng Sản của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình thừa hưởng những tham vọng lãnh thổ Đông Nam Á của vua chúa Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã có lần tuyên bố với lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng Sản Việt Nam là sẽ cầm đầu 500 triệu nông dân Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á.
Để thực hiện mục đích này, quốc sách của tất cả các đời lãnh đạo cộng sản Trung Quốc là lệ thuộc Việt Nam vào Trung Quốc bằng viện trợ quốc tế vô sản, khuyến khích Việt Nam chống kẻ thù của vô sản thế giới: Thực Dân Pháp và Đế Quốc Mỹ.
Để Việt Nam lệ thuộc, không gì bằng là làm mọi cách để Việt Nam luôn yếu, luôn cần đến Trung Quốc. Để Việt Nam yếu không gì bằng là chia cắt Việt Nam ( Genève 1954). Để Việt Nam yếu không gì bằng là viện trợ và khuyến khích Việt Nam nội chiến lâu dài, tiêu hao sinh lực trong chiến tranh với Hoa Kỳ. Để Việt Nam yếu, không gì bằng là cướp đất, biển đảo của Việt Nam (1974 cướp Hoàng Sa, 1984 cướp cao điểm 1509 Hà Giang, 1988 cướp 6 đảo của Việt Nam tại Trường Sa). Để Việt Nam không bứt khỏi lệ thuộc đối với Trung Quốc, phải gây chiến tranh với Việt Nam, khi Việt Nam thân thiết với Liên Xô ( chiến tranh biên giới 1979).
Đây là sợi chỉ xuyên suốt chính trị Trung Quốc từ 1949 đến nay.
Độc hại của 1000 năm Bắc thuộc là văn hóa Trung Quốc.
Việt Nam đã nằm trong vòng ảnh hưởng của văn hóa Hán.
Trung Quốc luôn coi Việt Nam là thuộc quốc. Luôn sẵn sàng đưa quân sang Việt Nam mỗi khi Việt Nam"làm trái"với luật của thiên triều như có việc thoán nghịch, có lời cầu cứu của dòng họ làm vua vừa bị lật đổ...
Ngay mới đây, tư tưởng bá quyền vẫn được Trung Quốc coi là lẽ phải, khi chúng tiến hành cuộc chiến tranh "Dậy Việt Nam một bài học"năm 1979. Trung Quốc vẫn dùng luật của Chủ Nghĩa Bá Quyền Phong Kiến Trung Quốc để đối sử với Việt Nam. Ta nhắc lại rằng Thời Chiến Quốc, nước làm Bá Chủ có quyền gây chiến, đem quân đánh nước khác khi nước đó không theo đúng một trong các điều ước của Hội Thề. Trong lý luận Trung Quốc khẳng định công hàm 14/9/1958, Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền của họ ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng thể hiện sự bất chấp luật pháp quốc tế đương đại mà lấn lướt, chèn ép theo luật Bá Quyền của Trung Quốc.
Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục cùng với Trung Quốc coi Chủ Nghĩa Mác Lê Nin là quốc đạo thì Trung Quốc vẫn còn coi Việt Nam là đàn em, là nước lệ thuộc và với tư cách Bá Chủ, đàn anh. Quyền đánh Việt Nam, quyền chiếm đảo của Việt Nam là quyền của Bá Quyền Trung Quốc.
Như vậy thì việc Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam ngoài nguyên nhân chính là vị trí địa lý, là thèm khát tài nguyên, là muốn có một Việt Nam yếu..., còn có nguyên nhân văn hóa là Việt Nam đã từng nằm trong ảnh hưởng văn hóa của các luật sức mạnh của Bá Quyền Trung Quốc.
5. Để Trung Quốc vĩnh viễn không bao giờ dám xua quân xâm lược Việt Nam.
Cải cách dân chủ đã được đại diện xuất sắc của Phong trào Dân Chủ là Cù Huy Hà Vũ đề nghị. Mặc dù chính quyền cộng sản sợ hãi tư tưởng dân chủ và cầm tù Cù Huy Hà Vũ, nhưng trí thức Việt Nam quyết không sợ, vẫn kiên quyết đòi Cải cách dân chủ, đòi Đảng Cộng Sản trả lại nhân dân quyền làm chủ vận mệnh của Tổ Quốc Việt Nam.
Vì đây là trận chiến đấu tồn tại hay bị Hán hóa, độc lập hay bị nô lệ Phương Bắc lần thứ 2.
Sách lược được đề nghị dưới đây dựa trên những phân tích trong bài này, hi vọng sẽ làm tiêu tán những tham vọng bá quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam, đối với Đông Nam Á.
Sách lược này là một cải cách chính trị nội bộ Việt Nam, thực hiện tuần tự như sau.
5.1. Đầu tiên, Việt Nam phải cải cách dân chủ.
Đảng Cộng Sản Việt Nam phải đặt quyền lợi của Tổ Quốc Việt Nam, của Dân Tộc Việt Nam lên trên hết.
Chủ Nghĩa Cộng Sản đã là một chủ nghĩa quá hạn, đã bị thối rữa và sinh nhiều độc tố tiêm vào bản thân Đảng Cộng Sản Việt Nam, làm Đảng Cộng Sản Việt Nam bị tê liệt trước mọi thủ đoạn nham hiểm của bành trướng Trung Quốc.
Thông qua Hiến Pháp dân chủ là đảm bảo cho quá trình dân chủ hóa, quá trình làm chủ đất nước của nhân dân, được triển khai trong an toàn luật pháp, tránh xáo động xã hội, tránh Trung Quốc đục nước thả câu.
Việt Nam dân chủ chắc chắn là đòn mạnh đánh vào tâm lý lãnh đạo Trung Quốc. Họ sẽ phá hoại mạnh mẽ.
Để thực hiện được quá trình dân chủ hóa an toàn, rất cần sự tham gia tích cực của truyền thông, của nhân dân Việt Nam, của sự ủng hộ của thế giới dân chủ.
5.2. Là một nước dân chủ, Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa kỳ để đảm bảo an toàn cho lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
5.3. Phải phát triển một nền văn hóa Việt Nam hiện đại, rời xa văn hóa phong kiến lạc hậu Trung Quốc.
Thành công của Nhật Bản khích lệ chúng ta.
Hoa kỳ một nước chỉ mới ra đời hơn 200 năm, nhưng đã tạo ra được một nền văn hóa đặc sắc riêng biệt thì Việt Nam không lý nào không thoát li được khỏi văn hóa Trung Quốc.
Cùng với cải cách dân chủ, việc phát triển một nền văn hóa Việt Nam dựa trên các ưu việt của văn hóa Việt, truyền thống Việt và chấp nhận các chuẩn mực tiên tiến thế giới sẽ là Bản tuyên ngôn độc lập, Bản tuyên ngôn văn hóa, Bản tuyên ngôn dân chủ, Bản tuyên ngôn thoát li những chuẩn mực phong kiến của Trung Quốc.
Việt Nam sẽ vĩnh viễn không bao giờ trở lại làm thuộc quốc của Trung Quốc nữa. Việt Nam sẽ vĩnh viễn không bị lẻ loi, không bị Trung Quốc khi nào muốn, khi nào không hài lòng thì"dậy cho một bài học”.
Sẽ xa lạ với Việt Nam những cư xử lạc hậu của Trung Quốc.
5.4. Phải đòi bằng được Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là 2 quần đảo liên quan đến tồn tại hay vong quốc của Việt Nam ngày nay. Không để Trung Quốc hút một li dầu hỏa nào của Trường Sa, Hoàng Sa. Không để Trung Quốc chiếm một đảo nhỏ nào của Hoàng Sa, Trường Sa. Có chỗ bấu víu, Trung Quốc sẽ trăm phương, ngàn kế reo họa cho các thế hệ tương lai Việt Nam.
Vị trí chiến lược của Hoàng Sa, Trường Sa sẽ giúp Việt Nam đảm bảo được an ninh cho ngư dân đánh cá Việt Nam, đản bảo an ninh cho lãnh hải Việt Nam.
Nguồn tài nguyên phong phú do Hoàng Sa, Trường Sa sẽ đóng góp cho đất nước Việt Nam giầu mạnh, đủ sức chống chọi với hiếu chiến Trung Quốc, nếu chúng lên cơn điên cuồng.
55. Quan hệ với Lào và Cămpuchia phải trở thành quan hệ tối quan trọng bậc nhất. Cùng với Hoàng Sa, Trường Sa, bán đảo Đông Dương Việt Nam, Lào, Cămpuchia liên kết chặt chẽ, một khối, sẽ là tử địa của bất cứ đội quân xâm lược nào, dù chúng từ đâu tới, dù chúng đông bao nhiêu, dù chúng hung hăng đến đâu.
6. Kết luận.
Sách lược chính trị 5 điểm trên lấy cải cách dân chủ làm mấu chốt.
Sẽ không có quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ nếu Việt Nam là Cộng Sản, độc tài.
Sẽ không có một nền văn hóa khác hẳn Trung Quốc nếu Việt Nam không dân chủ.
Sẽ không bao giờ đòi được Hoàng Sa, Trường Sa nếu Việt Nam còn là đàn em của Trung Quốc.
Sẽ không có Lào và Cămpuchia hậu thuẫn, mà ngược lại, Việt Nam sẽ lĩnh họa con dao thọc sườn. Mối họa của thảm bại khi chiến tranh nổ ra.
Vậy, để Trung Quốc vĩnh viễn không mộng tới xâm lược Việt Nam trong tương lai, đầu tiên Việt Nam phải mạnh dạn bước lên con đường dân chủ, mạnh dạn cải cách dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét