(CATP) Báo CATP số ra ngày 29-7-2011 có bài “Người chết vẫn ký nhận tiền trợ cấp!” xảy ra tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai về việc 9 trường hợp đã chết từ lâu, nhưng hàng tháng vẫn “đến” UBND xã để lăn tay, điểm chỉ, ký tên nhận tiền trợ cấp. Sau khi báo đăng, chúng tôi nhận được nhiều luồng phản ánh từ công chúng, trong đó có việc cán bộ xã dùng tiền để cố tình lấp liếm những sai phạm của mình.
Một số hộ dân đang tiếp xúc với PV tố cáo việc ông Trường dùng tiền mua chuộc sự im lặng
MUA SỰ... IM LẶNG
Sau khi những thông tin về việc làm sai trái trong việc chi trả tiền trợ cấp chính sách của xã Kon Thụp được báo chí phơi bày, những ngày sau đó các đoàn kiểm tra của huyện Mang Yang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã vào cuộc xác minh vụ việc. Trong khi đang chờ kết luận, ông Hoàng Mạnh Trường - cán bộ tư pháp, kiêm nhiệm việc chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng chính sách đến nhà một số hộ dân có thân nhân là người có công với cách mạng đã chết để đưa tiền và đề nghị người dân khai báo sai sự thật.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Hnghênh - con rể ông Môl ở làng Groi (đã chết gần hai năm) cho biết: “Ông già vợ tôi mất từ năm 2009, ngay sau khi ông chết, chính quyền xã đã xuống thu lại sổ và ngừng trợ cấp tiền chính sách, tôi không dám nói sai đâu. Mấy hôm trước không biết trên xã xảy ra chuyện gì nhưng đã có một cán bộ về đưa cho gia đình tôi 3 triệu đồng. Do sợ là tiền bất chính nên gia đình tôi không dám tiêu...”. Để chứng minh những lời nói của mình, anh Hnghênh lấy trong tủ ra sáu tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng/tờ đưa cho chúng tôi xem.
Cuốn sổ trợ cấp của gia đình ông Anưh có cùng một nét chữ ghi nhận tiền đến hết tháng 5-2011
Cùng ngày, chúng tôi đến làng Pơ Nang để gặp ông Byâk (con trai ông Anưk+Bei) và được khẳng định: “Ông già chết từ năm 2009 và xã đã ngưng trợ cấp. Nhưng mấy hôm trước, cán bộ Trường có đến nhà đưa 5 triệu dặn có ai hỏi thì bảo ông già mới chết hai tháng, tiền ông Trường đưa mình đã chia cho ba người con. Sau khi đưa 5 triệu, cán bộ Trường lấy luôn sổ trợ cấp về và trưa hôm sau mới đem trả lại cho mình...”. Khi chúng tôi xin xem và chụp hình lại cuốn sổ, đồng thời đề nghị ông Byâk và anh Linh (con trai của ông) chỉ cho chúng tôi thời điểm xã ngưng trợ cấp thì được cả hai cho biết, sổ của ông Anưk bị cắt từ tháng 2-2009, cuốn sổ trợ cấp sau khi ông Hoàng Mạnh Trường mượn về đã ghi thêm thời gian trợ cấp đến tháng 5-2011.
Tương tự, hộ nhà ông Boih ở làng Pơ Nang cũng được nhận 3 triệu đồng do ông Trường mang đến để mua sự... im lặng. Nhưng những hành vi của ông Trường đã bị tố giác...
CÁN BỘ XÃ NÓI GÌ?
Sau khi có đầy đủ chứng cứ về việc ông Hoàng Mạnh Trường đã chi 11 triệu đồng để “mua sự im lặng” của người dân, chúng tôi quay trở lại trụ sở UBND xã xác minh vụ việc. Nhưng trong buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Mây - Bí thư Đảng ủy xã, ông Đinh Tú - chủ tịch UBND xã và bà Đỗ Thị Thanh Vân - Phó chủ tịch UBND xã Kon Thụp, khi chúng tôi liên tiếp đề nghị được gặp trực tiếp ông Trường, thì mọi người cho rằng ông ta không thể có mặt vì đang “bận” lo công tác diễn tập của xã.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Mây - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Khi những việc làm sai của xã được các cơ quan báo phản ánh, chúng tôi thành lập đoàn kiểm tra do bà Đỗ Thị Thanh Vân làm trưởng đoàn đi xác minh để báo cáo lên huyện. Chúng tôi xác định bản chất sự việc xảy ra đúng như báo nêu, còn tính chất nghiêm trọng đến đâu thì còn chờ xác minh cụ thể. Về phía xã cũng cám ơn báo chí đã quan tâm điều tra, sau khi có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có phương hướng xử lý...”.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì đoàn đi xác minh gồm bà Vân cùng ông Hoàng Mạnh Trường, bà Cao Thị Hồng Cẩm (cán bộ phụ trách mảng lao động thương binh xã hội của xã) đã tiếp xúc với một số hộ dân tại làng Pơ Nang vào đêm 16-7. Trong cuộc tiếp xúc này có ý kiến của cán bộ xã đề nghị người dân khi có ai hỏi về trường hợp người thân của mình đã chết thì chỉ bảo mới chết khoảng hai tháng trở lại đây thôi.
Dù không gặp trực tiếp được ông Trường, nhưng trên đường về ông ta có gọi điện cho chúng tôi và thừa nhận: “Tôi có trả cho ba hộ ông Anưk, ông Boih và Môl 11 triệu đồng, đó là tiền từ trước giờ người ta chưa nhận. Tổng số tiền tôi mới cộng lại hồi sáng, tôi còn giữ lại khoảng hơn 30 triệu đồng. Tôi làm sai, tôi chịu trách nhiệm và sẽ hoàn trả lại cho nhà nước”. Ông Trường cũng khẳng định những việc làm này chỉ có mình ông, không hề có ai khác trong bộ máy lãnh đạo của xã tham gia vào.
Tiếp sau đó chúng tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại với nội dung xin thông cảm của ông. Nhưng việc ông Trường nói còn “giữ lại” hơn 30 triệu đồng là không trung thực, vì chỉ tính riêng các hộ ông Hnônh (chết hơn 3 năm), ông Anưk (2 năm), ông Môl (2 năm) và ông Boih (gần 2 năm) chưa kể các hộ khác, số tiền mà ông “giữ lại” cũng đã vượt con số hơn 50 triệu đồng.
Có thể nói, những chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm giúp giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống của người dân, nhất là những gia đình chính sách, có công với cách mạng là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết để “ăn chặn” tiền của dân là một điều đáng lên án. Đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét