Lòng yêu nước sạch
Thùy Linh - Không hiểu sao giờ có nhiều từ “sạch” được đưa vào làm tính từ cho mọi thứ đồ dùng của con người. Thịt sạch. Rau sạch. Đồ chơi sạch. Quần áo sạch. Hoa quả sạch. Không khí sạch. Không gian sạch. Bàn tay sạch…Và nhất là tiền sạch. Nhưng chả mấy ai tin vào quảng cáo là mọi thứ đều sạch này. Tôi là người thỉnh thoảng phải đi chợ, dù họ có đề biển quảng cáo, có nói bã bọt mép “toàn đồ sạch” thì cũng ậm ờ mà mua, vì không thì mua gì? Nhiều người tặc lưỡi, lấy đâu đồ sạch bây giờ? Rất nhiều sự thật trong cái tặc lưỡi đó. Nhưng phải chấp nhận sống chung với lũ, với rất nhiều mặt trái, nhiều sự lừa dối, nhiều giá trị “đểu”…Làm sao bây giờ?
Có một người nói với tôi về cách dạy con của anh là, nhất định phải cho con cái biết nguồn gốc đồng tiền mà bố mẹ chúng kiếm được từ đâu mà có? Chỉ có vậy chúng mới biết trân trọng những gì bố mẹ làm ra và hy sinh cho chúng. Chúng sẽ biết tiết kiệm, biết sử dụng hữu ích. Quan trọng nhất là chúng biết tôn trọng người sinh ra chúng. Và có thế chúng mới nên người…
Vừa rồi nhân “đi bộ vỉa hè” vào “Chủ nhật tươi hồng”, tôi gặp lại người bạn cũ thời đại học. Thậm chí còn không nhận ra nếu không xưng danh. Nhưng rồi lẩn mẩn đi bên nhau, nói đủ thứ chuyện và chợt nhận ra, ồ, hóa ra đây là người đáng lẽ phải là bạn ta từ cách đây mấy chục năm, sao giờ mới có duyên gặp gỡ? Cô bạn kể, nghe nói cô đi biểu tình, mấy người bạn hỏi là được bao nhiêu tiền? Cô bạn nói làm gì có tiền? Mà ai cho? Tại sao đi biểu tình chống ngoại xâm lại đòi người khác cho tiền? Thế là mấy người kia nói, tưởng có tiền thì đi, chứ không thì ở nhà cho xong…Thảo nào mà mấy người bị tạm giữ đều bị hỏi câu này: “Có được nhận tiền không?”.
Nhưng đó là sự thật bạn nên tin: lòng yêu nước của những người biểu tình vào các chủ nhật là “lòng yêu nước sạch”. Không nghe ai xúi giục. Không nghe ai kích động. Không nhận tiền của ai. Không vì uất ức cá nhân, có chăng họ đặt lòng tin vào mình, vào những người cùng chí hướng thay vì ngồi chờ đợi những lời hứa vô vọng…Nhiều người đều biết “nguy cơ” của họ khi tham gia biểu tình là có thể bị mất việc, bị đuổi học, đe dọa, nhưng họ vẫn đi. Nếu bị xúi giục hoặc do mấy đồng tiền “bẩn” thì lịêu họ có dám mạo hiểm đánh đổi những cái họ đang có hoặc sẽ có để xuống đường hay không? Ai đều hiểu câu trả lời là không…
Tôi đi cùng đoàn người và yêu từng gương mặt, từng nụ cười, từng lời họ hô vang, từng cử chỉ đơn giản, từng cái bắt tay vội vàng…của rất nhiều người không quen. Tôi vô danh như họ và họ cũng chưa từng là người quen hay bạn bè của tôi. Điều đó có hề gì? Không trong sáng thì lịêu ai làm được điều đó? Cuốc bộ giữa cái nắng, hò hét lạc giọng, cạn hơi, đói và khát…Đã 8 chủ nhật trôi qua và có thể sẽ còn nhiều chủ nhật khác như thế nữa. Có người bảo là nhàm, chán, là vô ích…Lòng yêu nước có bao giờ là đủ? Lòng yêu nước có bao giờ là nhàm chán? Người có quyền lực và vị trí thì hãy làm những việc vĩ mô, hãy họach định kế sách để đất nước được vẹn toàn. Người lính thì cầm súng nơi biên cương. Người cầm bút hãy mang hơi thở của thời đại, dân tộc vào bài viết, trang giấy. Người dân chọn cách xuống đường…Không thể nói cái nào hay hơn cái nào vì không thể so sánh cái đầu cần hơn hay tay, chân cần hơn? Cần một cơ thể vẹn nguyên. Khi cái đầu không điều khiển được cái tay, chân đang khỏe mạnh là cái đầu có vấn đề. Lòng yêu nước nếu bị “điều kiện hóa” thì đương nhiên sẽ gây nhàm chán và nản lòng người rồi…Mỗi người cố gắng đừng bị điều kiện hóa cuộc sống mình, bản thân mình thì sẽ thấy thảnh thơi, vô tư, quan trọng hơn sẽ có tinh thần VÔ ÚY của nhà Phật. Đó là sự không sợ hãi.
Để giữ lòng yêu nước sạch, bạn hãy trân trọng từng thịên ý nhỏ của từng con người. Hãy cho nhau nụ cười, ái ngữ nhiều hơn lời trách móc. Hãy chấp nhận sự khác biệt trong biểu cảm lòng yêu nước của nhau. Hãy bỏ qua sự bực bội, khó chịu để tìm đến đích chung của Dân tộc. Đừng làm tổn thương nhau vì sự hồ đồ, quá khích, cực đoan. Chúng ta còn lại gì nếu đi đến đích với những gương mặt nhìn về các phía mà thiếu vắng nụ cười, sự thân thiện, tử tế? Tùy bạn lựa chọn, còn tôi, tôi luôn lựa chọn LÒNG YÊU NƯỚC SẠCH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét